Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo - những giá trị không thể phủ nhận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xuất phát từ điều kiện thực tiễn Việt Nam và sự nhìn nhận giá trị nhân văn, tốt đẹp của tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu lên những tư tưởng về xây dựng khối đoàn kết tôn giáo, mà chính Người còn là tấm gương, là ngọn cờ quy tụ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có chức sắc và đồng bào các tôn giáo. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch cùng với xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, còn triệt để xuyên tạc tư tưởng của Người về đoàn kết tôn giáo. Do đó, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về lĩnh vực này chính là góp phần bảo vệ những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sự chống phá chưa bao giờ ngưng
Xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo là mục tiêu chưa bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch. Nhằm xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, các thế lực thù địch đã ráo riết sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, gần đây tập trung vào hoạt động cơ bản là thông qua internet, mạng xã hội để xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo. Các tổ chức phản động lưu vong như: “Việt Tân”, “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”… đã lập hơn 400 trang website, blog, hàng chục tạp chí, báo, nhà xuất bản, hơn 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt như VPR, VOA, RFI... và các diễn đàn khác để xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo.
Cùng với đó, chúng còn tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn quốc tế xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo nói riêng. Chúng thường tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo ở các nước có đông đảo bà con Việt kiều đang sinh sống, làm việc như: Australia, Mỹ, Canada... để gửi thư ngỏ, tài liệu truyền bá tư tưởng phản động, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng trong nước, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, chúng ra sức rêu rao rằng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo nói riêng đã lỗi thời, lạc hậu và đòi Đảng, Nhà nước Việt Nam thay đổi bằng hệ tư tưởng mới.
Ngoài ra, chúng còn tìm cách móc nối, mua chuộc cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất để thuê, nhờ viết bài, tung tin tuyên truyền, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo; kích động tâm lý hoài nghi của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đoàn kết tôn giáo. Đây là những hành động, luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền hết sức nguy hiểm, là thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương mẫu mực về đoàn kết tôn giáo
Ngay sau khi nước nhà độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”.
Để hiện thực hóa đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 3 nguyên tắc cụ thể trong thực hiện chính sách tôn giáo: Thứ nhất, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mẫu số chung. Nguyên tắc này dựa trên phương châm “Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết” và “tất cả do con người, tất cả vì con người”. Lợi ích của từng tôn giáo gắn chặt với lợi ích của cả cộng đồng dân tộc, muốn đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc thì phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Vì đây là lợi ích của cả cộng đồng, trong đó có lợi ích sống còn của các tôn giáo.
Thứ hai, không chạm đến đức tin của tôn giáo nói chung và của từng tôn giáo nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý nhiều đến việc chỉ ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, nhấn mạnh lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, trái lại còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người dù theo tôn giáo nào thì trước hết người đó phải là công dân, có nghĩa vụ với dân tộc, đất nước.
Thứ ba, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết, là nguyên tắc cơ bản để có thể đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết chung của dân tộc. Bởi, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tức là tôn trọng nhân dân, tôn trọng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, tôn trọng một yêu cầu về tự do, dân chủ trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp cơ bản cần thực hiện trong quá trình tiến hành công tác tôn giáo. Nhờ đó, Người đã thành công trong việc đoàn kết đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở, nền tảng cho giáo hội các tôn giáo đề ra tôn chỉ, mục đích hành đạo gắn bó với dân tộc, như: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” (Phật giáo); “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo); “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” (đạo Tin lành); “Nước vinh đạo sáng” (đạo Cao Đài); “Chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc; phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Phật giáo Hòa Hảo)…
Không những vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương về đấu tranh với các hành động, quan điểm chia rẽ đoàn kết tôn giáo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những đóng góp của tôn giáo cho cách mạng, nhưng cũng kiên quyết chống việc lợi dụng tôn giáo, lợi dụng lòng tin của tín đồ để phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên phải làm cho quần chúng hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là: Không chống tôn giáo, mà chỉ chống lợi dụng tôn giáo. Hơn nữa, trong công tác đấu tranh với những biểu hiện sai trái của tín đồ các tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ phải kiên trì, gần dân, hiểu dân để vận động dân. Phải giải thích cho đồng bào hiểu rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù lợi dụng tôn giáo, lợi dụng niềm tin của người dân để phản nước, hại dân, làm hại tôn giáo. Chỉ có cách mạng mới là con đường giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột, trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vẹn nguyên giá trị cho hôm nay
Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Mốc đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của Đảng về tôn giáo được thể hiện trong Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị khóa VI về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Sự đổi mới tư duy về tôn giáo của Đảng tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, nhấn mạnh tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt là đồng hành với chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm “lương giáo đoàn kết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiếp tục khẳng định: Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc. Theo đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, với nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trong đó, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong điều kiện mới, Đảng đã tiếp tục nêu cao điểm tương đồng giữa cách mạng với tôn giáo, giữa lý tưởng xã hội chủ nghĩa với lý tưởng tôn giáo, coi đó là một trong những cơ sở quan trọng thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quán triệt và vận dụng sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, với chủ trương, chính sách đúng đắn, tính đến năm 2023, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số. Trong đó, Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất với trên 14 triệu tín đồ, sau đó là Công giáo với trên 7 triệu giáo dân.
Đặc biệt, có không ít chức sắc, tín đồ tôn giáo là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, có nhiều đóng góp quan trọng trong hệ thống chính trị cũng như công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Cụ thể, có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026... Đó là sự thật hiển nhiên và là căn cứ thực tiễn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách đoàn kết tôn giáo của Việt Nam; đồng thời, khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo. Có thể khẳng định, không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam, một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Đó là sự thật! Thực tế này bác bỏ mọi thông tin xuyên tạc, kích động hòng chia rẽ tôn giáo với chính quyền, chia rẽ những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tựu trung, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo có nội dung phong phú, vừa có giá trị khoa học, vừa mang tính thực tiễn sâu sắc. Vì vậy, trong gần 40 năm đổi mới, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người về đoàn kết tôn giáo, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tôn giáo đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Tư tưởng của Người về đoàn kết tôn giáo vẫn vẹn nguyên giá trị và là chỉ dẫn quý báu cho công tác tôn giáo hiện nay. Bởi vậy, chúng ta cần tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của Người để giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, tăng cường đoàn kết tôn giáo vì mục tiêu phát triển một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo tâm nguyện của Người. Đồng thời, đó cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.