Quan điểm tùy thuộc thời cuộc
Ngày 29-3 vừa qua, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo, đề nghị gia hạn nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia hỗ trợ Ủy ban Phụ trách các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Ngoài Nga bỏ phiếu chống còn có Trung Quốc bỏ phiếu trắng, 13 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu thuận. Sự phủ quyết của Nga đã bị Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Ukraine phê phán mạnh mẽ.
Nhóm chuyên gia trên có 7 thành viên, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập theo Nghị quyết số 1718 năm 2006 với nhiệm vụ giám sát Triều Tiên thực thi những biện pháp chính sách đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và rồi nhiều lần gia tăng mức độ quyết liệt và mở rộng phạm vi nhằm trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân.
Nhóm này báo cáo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2 lần/năm. Cho tới nay, thời gian hoạt động của nhóm đã nhiều lần được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia hạn và Nga hay Trung Quốc đều chưa lần nào cản trở gia hạn. Vậy nhưng, trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế, thời cuộc thay đổi thì quan điểm cũng có thể thay đổi.
Như hiện tại chẳng hạn. Ở lần biểu quyết vừa qua, nội dung dự thảo nghị quyết chỉ là gia hạn thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia chứ không bao hàm bất cứ sửa đổi, thay thế, bổ sung hay điều chỉnh gì trong những biện pháp chính sách mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nhằm trừng phạt Triều Tiên. Sau khi không được Nga đồng ý gia hạn thời gian hoạt động, nhóm chuyên gia này sẽ bị giải thể vào ngày 30-4 tới.
Thời cuộc hiện tại đã khác trước bởi cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine cũng như cuộc đối địch giữa Nga và khối phương Tây. Mỹ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập liên minh an ninh ba bên trong khi củng cố và tăng cường mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống mà Triều Tiên là một trong số những đối tượng mà họ đối phó. Mối quan hệ giữa Nga với Triều Tiên lại phát triển đặc biệt tốt đẹp và hai nước này cần liên thủ với nhau hơn lúc nào hết.
Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết nói trên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì nội dung và mục đích của dự thảo nghị quyết này bất lợi cho Triều Tiên mà Nga hiện lại có nhu cầu to lớn và cấp thiết về tranh thủ Triều Tiên. Bởi vậy, làm lợi cho Triều Tiên cũng có nghĩa là làm lợi cho Nga.
Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết nói trên bởi hoạt động của nhóm chuyên gia đã đi quá xa và bắt đầu gây bất lợi trực tiếp cho Nga khi trong báo cáo mới đây nhất đề cập đến - cho dù không đưa ra được bằng chứng xác thực - việc Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Nga để Nga sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Tháng 8 năm ngoái, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến hoạt động của lực lượng quân đội tư nhân Wagner ở Mali.
Từ góc độ này có thể thấy, nếu Nga không phủ quyết dự thảo nghị quyết nói trên về Triều Tiên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì mới là chuyện lạ. Làm gì có chuyện Nga cho thông qua một dự thảo nghị quyết gây bất lợi trực tiếp cho Nga và đồng minh của Nga. Mỹ, Anh và Pháp chẳng phải xưa nay cũng đã luôn như thế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay sao?
Nga sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì yêu cầu nội dung của Nga và Trung Quốc về hằng năm xem xét lại các biện pháp chính sách trừng phạt Triều Tiên không được đưa vào dự thảo nghị quyết. Cho nên sự phủ quyết vừa rồi của Nga không hề phi logic.