Sách

Sống phải với mình, sống phải với thơ

Đặng Huy Giang 01/04/2024 - 10:53

Trong tập thơ “Trọng sử yêu thơ”, Trương Trung Phát có xuất phát từ hai cái gốc lớn, cũng là hai cái gốc căn bản: Cảm hứng lịch sử và cảm hứng từ tấm lòng của mẹ.

Ông đã bám vào hai cái gốc ấy để làm thơ, ông ao ước, hy vọng lịch sử phải “Thành những bài ca con trẻ thuộc lòng”. Bởi thế mà trong “Tám một ngày đêm”, ông viết: “Lịch sử đất nước ngàn năm nhớ như cơm ăn nước uống hàng ngày”, trong “Thập toàn”, ông viết: "Cấy vào tim mình những vần thơ/ Bằng ngôn từ bao dung của mẹ"...

Thơ Trương Trung Phát còn xuất phát từ một cái gốc lớn nữa: “Đạo”. Ông nói về “đạo” theo cách của mình thật dễ hiểu, dễ tiếp nhận, bộc bạch qua bài thơ “Cầu”: “Người thiếu đức thì cầu đức/ Người thiếu phúc thì cầu phúc/ Người thiếu tài thì cầu tài/ Người thiếu lộc thì cầu lộc...". Như vậy, theo Trương Trung Phát, ai thiếu gì thì cầu cái đó, cần cái đó. Và đó là “đạo” của mỗi người. Nhưng điều đáng lưu ý là “Không công quả trời đất nào phù hộ/ Chắc lời cầu theo gió bay bay”...

Học ở nhà sử học Ngô Sĩ Liên, trong “Chiêm bao thấy cụ Đinh Lễ”, Trương Trung Phát cho rằng phải “Nương theo lòng muôn dân mà hành xử/ Mượn bụng trời mà chế ngự nắng mưa” mới mong “Mùa màng nhân gian không thất bát”. Qua “Hà Nội vỏ”, ông bày tỏ: “Hà Nội vỏ, Hà Nội nhân, Hà Nội hạt/ Hạt hay nhân hay vỏ vẫn dân thôi!”. Theo ý nhà thơ, Hà Nội dẫu nhìn ở góc độ nào, cả cái bên ngoài và cái bên trong, thì cốt lõi vẫn là dân.

Trong tập thơ “Trọng sử yêu thơ”, ít nhất, Trương Trung Phát có ba bài thơ viết về cỏ và có liên quan đến cỏ. Đó là “Tinh hoa” có hai câu: “Đập va rồi sẽ ngộ/ Cỏ cũng có tầm xa xanh như mây” với cái tâm không phân biệt theo quan niệm của nhà Phật. Đó là “Không có mả” có hai câu: “Phận mình phận cỏ/ Bám đất mà xanh” cho thấy tác giả rất hiểu cỏ, nhận ra cái tự nhiên, cái tất yếu của cỏ. Và đó là “Hồn nhiên” có hai câu: “Ta không ngoa ngôn sành điệu/ Hồn nhiên như cỏ như mây”, qua đó nhà thơ bộc lộ mình chân thật nhất.

Một bài thơ nữa của Trương Trung Phát - “Yêu say” - cũng rất lạ. Sao không phải là “say yêu” mà “yêu say”? Đọc bốn câu thơ dưới đây, độc giả sẽ hiểu cái “yêu say” của núi, của cây, của cành, của gió... trong một cảnh giới khác lạ: “Trèo lên núi thấy mây uống sương túy lúy/ Cây ôm cành yêu đến ngả nghiêng say/ Gió thả sức cày/ Trên cánh đồng không gian vô tận”. Người không hiểu thế giới tự nhiên, không yêu thế giới tự nhiên, không thuận theo lẽ tự nhiên, không thể sở hữu những câu thơ như thế!

Không chỉ yêu vạn vật, Trương Trung Phát còn yêu người.

Đây là hai câu lục bát tài hoa trong “Chuông chùa” rất gần gũi cách nói dân gian, trong đó từ “giấm” được sử dụng rất đắc địa: “Bao giờ chuối mới ra buồng/ Cho tôi được giấm thơm hương một người”... Đây là những câu thơ trong “Lẽ nào chỉ mực?” cho thấy vẻ đẹp của hờn giận trong tình yêu: “Đã tối như mực/ Lại còn mưa dầm/ Nhớ nhau... Anh tới/ Em không có nhà.../ Hỏi mẹ, hỏi cha/ Cả hai đều lắc/ Lẽ nào chỉ mực/ Vẫy đuôi hít mừng?”. Đây là những câu thơ rất lay gợi và sống động trong “Gánh trăng”: “Em gánh trăng về đâu/ Mà lòng anh sóng sánh/ Đêm như đêm bất tận/ Tìm đâu ra lối về?”.

Có lúc, Trương Trung Phát thấy tình yêu thật lãng mạn và ông nâng tình yêu thành biểu tượng, kéo dài không gian yêu và thời gian yêu, nới rộng cái ở đây và bây giờ thành vô hạn, đến nỗi mây như cũng bị cảm hóa bởi tình yêu: “Anh lên Ba Vì cưỡi mây hái nắng/ Sang Tam Đảo gặp trăng/ Em lấy trăng làm gối/ Ta làm mây già trẻ lại ngàn năm”.

Ở đời, sống phải với mình, sống phải với người, thật khó! Chả thế mà dân gian từng nói: “Ở sao cho được lòng người/ Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Đáng mừng là nhà thơ Trương Trung Phát không chỉ sống phải với mình, sống phải với người, mà còn sống phải với thơ. Thơ ông cũng như con người ông luôn say mê, bền bỉ, bản lĩnh. Ông coi thơ là cõi tu và đã gặt hái được thành quả theo cách của một người chân tu. Thơ ông là một thứ gừng càng già lại càng cay. Chẳng thế mà Trương Trung Phát đã tự mình làm một cuộc đột biến trong thơ ở tuổi 74 khi giành giải nhất Cuộc thi thơ 2017 - 2018 của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm với chùm thơ bốn bài: “Hàng Buồm dạ khúc”, “Hai phía”, “Le le bay qua hồ Thiền Quang” và “Ta là người hay chim sẻ đây?”.