Dầu thô, cà phê tăng giá khiến chỉ số giá hàng hóa tăng 6%
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) ghi nhận, kết thúc quý I năm nay, chỉ số hàng hoá này đã tăng tới gần 6% so với ngày đầu năm, cho thấy xu hướng tăng giá của nhiều mặt hàng quan trọng.
Đóng cửa tuần giao dịch cuối cùng của tháng 3 (25/3 - 29/3), lực mua hoàn toàn áp đảo đối với 3 trên 4 nhóm hàng hoá nguyên liệu bao gồm công nghiệp, năng lượng và nông sản; hỗ trợ chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng 1,08% lên 2.237 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt gần 5.700 tỷ đồng mỗi ngày, thấp hơn 15% so với tuần trước đó.
Ca cao, cà phê tăng giá chóng mặt
Kết thúc tuần qua, giá ca cao tạo đỉnh lịch sử mới tại mức 9.766 USD/tấn, sau khi bật tăng 9,25%. So với đầu năm nay, ca cao hiện đã tăng tới 128%.
Tại Bờ Biển Ngà, tính từ đầu vụ đến ngày 24-3, lượng ca cao vận chuyển đến các cảng nước này đã giảm 28% so với cùng kỳ vụ trước, đạt 1,28 triệu tấn. Cùng với đó, sản lượng ca cao niên vụ 2023/2024 của nước này ước tính giảm 21,5%. Ngoài ra, một số vùng trồng ca cao ở châu Phi đang bị ảnh hưởng bởi việc khai thác vàng trái phép. Thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng là yếu tố chính thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với ca cao.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, giá hai mặt hàng cà phê tăng lần lượt 3,60% đối với giá Robusta và 2,16% đối với giá Arabica.
Tình hình khan hàng tại Việt Nam tiếp tục là động lực tăng chính của giá Robusta. Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) cho biết, lượng cà phê xuất đi trong niên vụ 2023-2024 của nước ta ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn. Thời tiết khô hạn là nguyên nhân chính khiến sản lượng sụt giảm.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong cuối tuần trước (ngày 30-3), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ hồi phục nhẹ sau ngày điều chỉnh giảm mạnh trước đó. Giá thu mua trong nước dao động trong khoảng 98.100 -98.600 đồng/kg, mức giá cao chưa từng có trong tiền lệ của thị trường cà phê Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc MXV nhận định, vẫn còn dư địa để giá cà phê nội địa chinh phục mức đỉnh mới 100.000 đồng/kg, cho đến khi nguồn cung Robusta mới từ Indonesia và Brazil được đẩy ra thị trường.
Nguồn cung giảm, dầu thô tăng 16% trong quý I
Kết thúc tuần qua, giá dầu WTI tăng 3,15% lên mức 83,17 USD/thùng. Dầu Brent tăng 2,56% lên 87 USD/thùng. Sau 3 tháng tăng giá liên tiếp, dầu thô đã lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Đồng thời, mặt hàng này cũng đạt mức tăng giá 16% trong quý I.
Đây được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy việc hạn chế sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đang kiềm chế nguồn cung toàn cầu. Bên cạnh đó, giá cả cũng được hỗ trợ bởi một số căng thẳng địa chính trị và tăng trưởng nhu cầu trên toàn thế giới trong tuần qua.
Trong tháng 3, ít nhất 7 nhà máy lọc dầu của Nga đã bị máy bay không người lái từ phía Ukraine tấn công, ảnh hưởng tới khoảng 12% tổng công suất chế biến dầu của Nga. Điều này khiến cho nguồn cung dầu thô trở nên cạnh tranh hơn, kéo theo lực mua mạnh mẽ trên thị trường.
Tại Mỹ, giá xăng được dự báo có thể tăng lên mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2022, lên 4 USD/gallon. Đồng thời, triển vọng tiêu thụ dầu mỏ trong tương lai tại Mỹ cao hơn sau số liệu chính thức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV-2023 của Mỹ tăng 3,4% so với quý trước
Nguồn cung giảm còn bởi sản lượng dầu thô của Mỹ giảm trong tháng 1 xuống 12,5 triệu thùng/ngày, giảm 6% so với mức cao kỷ lục trong tháng 12 do thời tiết băng giá làm gián đoạn hoạt động khai thác.