Hưởng ứng phong trào toàn dân hiến máu tình nguyện: Lan tỏa nghĩa cử nhân ái cứu người
Tháng 4 về, các chương trình, hoạt động hiến máu diễn ra sôi nổi trên quy mô toàn quốc nhằm hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4). Những năm gần đây, nghĩa cử nhân ái hiến máu cứu người đang ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần giúp không ít bệnh nhân nối dài, hồi sinh sự sống.
Mang đến cuộc sống mới cho người bệnh
Ngày 28-2-2024, chị P.L.Q.L (huyện Thường Tín, Hà Nội) không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị trong tình trạng đa chấn thương, mất máu nghiêm trọng… Trong quá trình điều trị, bệnh nhân P.L.Q.L được truyền tới 10 lít máu và chế phẩm máu các loại do Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cung cấp. Hiện, bệnh nhân đã bình phục, xuất viện trở về bên gia đình.
Còn anh P.V.T (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) phát hiện bị ung thư máu vào năm 2009. Nhận được sự quan tâm của các y, bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cùng sự “trợ giúp” đắc lực từ nguồn máu hiến tặng, sức khỏe của anh P.V.T đã dần chuyển biến tích cực theo năm tháng.
Không chỉ hai bệnh nhân kể trên, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương Nguyễn Hà Thanh cho biết, phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp nguồn máu an toàn, chất lượng. Nhờ những giọt máu được trao đi bởi những người có tấm lòng nhân ái, trái tim yêu thương, hàng triệu lượt bệnh nhân có cơ hội phục hồi sức khỏe, nối dài sự sống. Mừng hơn, ngành Y tế có điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới, hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc… cho người bệnh.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa khẳng định, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa, thu hút đông đảo người dân tham gia là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, nhân ái, sẻ chia của người Việt. Hiện nay, người hiến máu đa dạng lứa tuổi, thành phần với lượng máu tiếp nhận lên tới khoảng 1,5 triệu đơn vị mỗi năm, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.
Từ thực tế tuyên truyền, vận động hiến máu, theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu, phong trào toàn dân tham gia hiến máu phát triển trên địa bàn Thủ đô góp phần hình thành, nuôi dưỡng những tấm gương người tốt, việc thiện, gia đình, dòng họ, cộng đồng nhân ái. Điển hình là gia đình ông Lê Đình Duật (quận Thanh Xuân) vừa vận động, vừa tham gia hiến máu với lượng máu đã trao đi lên tới hơn 1.000 đơn vị; gia đình anh Huỳnh Hải Bình (quận Hoàng Mai) với tổng số hơn 230 lần tham gia hiến máu từ các thành viên…
Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả
Để phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa sâu rộng, thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động hiến máu được các đơn vị đặc biệt chú trọng. Năm 2024, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ trung ương đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Với đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên lên tới hơn 7 triệu người, có mặt ở khắp mọi nơi, các cấp Hội Chữ thập đỏ liên tục tuyên truyền về những giá trị nhân văn cao cả của việc hiến máu đến từng cá nhân, gia đình.
Theo hướng này, từ đầu năm đến nay, các chương trình, sự kiện hiến máu diễn ra thường xuyên, liên tục, tập trung cao điểm vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 nhằm hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4). Trên “bản đồ” hiến máu cả nước, thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm sáng, dẫn đầu cả về chất và lượng khi có khoảng 3% dân số tham gia hiến máu, gấp 2 lần mức trung bình của cả nước (tỷ lệ dân số hiến máu của cả nước trung bình khoảng 1,5%). Lượng máu nhận về đạt hơn 20.000 đơn vị/tháng, bằng gần 20% tổng lượng máu tiếp nhận của cả nước.
Chia sẻ kinh nghiệm, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Quý cho biết, Hà Nội quan tâm nhân rộng những mô hình hiến máu dựa vào người dân như gia đình hiến máu, dòng họ hiến máu, tuyến phố hiến máu… Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai tổ chức các sự kiện hiến máu phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ví dụ, chương trình “Có hẹn với thanh xuân” áp dụng với đoàn viên thanh niên; “Blouse trắng - Trái tim hồng” triển khai trong ngành Y tế… Ở cơ sở, việc vận động người dân hiến máu được các cơ quan chức năng triển khai theo hướng khơi dậy lòng tự hào truyền thống thông qua các thông điệp ý nghĩa như: “Tự hào quê hương, tôi đi hiến máu”, “Hiến máu - Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn”…
Tương tự Hà Nội, tháng 4 về, các tỉnh, thành phố khác cũng đang tập trung cao điểm vận động người dân tham gia hiến máu, tạo đà hoàn thành tốt mục tiêu năm 2024 với 1,6% dân số tham gia hiến máu, nhận về 1,6 triệu đơn vị máu. Ngoài ra, các bên cũng thực hiện duy trì hoạt động hiệu quả 5 trung tâm truyền máu tại 5 khu vực trọng điểm, cùng hệ thống trung tâm truyền máu vùng, qua đó nâng cao chất lượng tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu, đáp ứng nhu cầu điều trị đa dạng của bệnh nhân.