Ngăn ngừa tố cáo sai sự thật
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng ta ngày càng đạt hiệu quả cao, được lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị. Kết quả này đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được đảng viên, nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Đã có nhiều cán bộ, đảng viên mạnh dạn lên tiếng đấu tranh, dũng cảm tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó từng bước loại bỏ cái xấu, cái ác, mang lại công bằng và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Còn nhớ, tại thành phố Hà Nội, vào năm 2013, các cá nhân: Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị Nam Đông và Khuất Thị Định là viên chức của Bệnh viện huyện Hoài Đức được khen thưởng do đã tố cáo đúng sự thật những vi phạm trong đơn vị, mang lại hiệu ứng tích cực, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những cá nhân có trách nhiệm, dám đấu tranh bênh vực lẽ phải, công bằng, tiến bộ, vì sự tôn nghiêm của pháp luật thông qua tố cáo đúng, có bằng chứng, thì trong xã hội cũng có những trường hợp tố cáo sai sự thật với những dụng ý riêng. Điều này trước hết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức bị tố cáo; gây dư luận xấu, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Người bị tố cáo sai sự thật thường là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Từ những hậu quả không thể đo đếm được, việc phòng, chống và ngăn chặn hành vi tố cáo sai sự thật là rất cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, đơn cử, ngày 27-1-2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt tạm giam Đoàn Từ Tấn (trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Qua điều tra, xác minh, cơ quan chức năng xác định, Đoàn Từ Tấn sử dụng nhiều sim điện thoại để gửi tin nhắn tố cáo có nội dung sai sự thật, bôi nhọ, hạ uy tín của lãnh đạo và cán bộ Công an huyện Lục Ngạn.
Trước đó, tháng 7-2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt tạm giam 3 tháng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nghi phạm Lê Hùng Mạnh (trú tại xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cũng với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo điều tra, Lê Hùng Mạnh đã viết đơn tố cáo nặc danh gửi đến nhiều đơn vị, các cơ quan báo chí để nói xấu, bôi nhọ, tố cáo Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) Bùi Thị Mười lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong quá trình công tác, vi phạm đạo đức, lối sống...
Thực tế cho thấy, hiện tượng lợi dụng tố cáo để mưu đồ cá nhân thường xuất hiện vào những thời điểm khá nhạy cảm, như chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; quy hoạch, luân chuyển cán bộ; bổ nhiệm cán bộ; cử cán bộ đi học... Nội dung tố cáo không đúng sự thật rất đa dạng, không chỉ về thực hiện quy chế lãnh đạo, chấp hành Quy định về những điều đảng viên không được làm, quản lý tài chính, nhân sự mà còn về nhiều vấn đề khác, trong đó có cả việc vu khống, đặt điều về tội nhận hối lộ, tham nhũng, vi phạm chế độ hôn nhân, lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ…
Để phòng, chống hiện tượng tố cáo sai sự thật, trước hết cần được nhận diện, nghiên cứu cẩn trọng, thấu đáo nhằm tìm ra giải pháp xử lý thực sự hiệu quả, đồng bộ, khả thi. Các tổ chức Đảng cần quán triệt, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và thực hiện nghiêm Quy định số 22-QĐ/TƯ, ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu, qua đó xác định đúng quyền, nghĩa vụ trong việc quyết định tố cáo. Cấp ủy, tổ chức Đảng cần mở rộng và đề cao tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình trong thực hiện nghị quyết, quy chế và đánh giá cán bộ cũng như công tác thi đua, khen thưởng.
Trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành cần tăng cường các biện pháp phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống hiện tượng độc đoán, gia trưởng, lộng quyền, lạm quyền. Đặc biệt, cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, bình đẳng, công bằng, công khai, khách quan, minh bạch trong công tác cán bộ, tránh “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, tạo ra dư luận xấu. Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các sai phạm trong lãnh đạo, quản lý.
Theo quy định của Luật Tố cáo 2018, mọi công dân đều có quyền tố cáo cá nhân, tập thể xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể và Nhà nước. Đảng viên có quyền tố cáo theo quy định của pháp luật, đồng thời, còn phải chấp hành những quy định của Đảng về tố cáo. Quy định số 22-QĐ/TƯ nêu rõ: “Những người lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo bịa đặt, đả kích, chia rẽ bè phái, gây rối nội bộ, tố cáo nhiều lần có dụng ý xấu phải được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”; “Không giải quyết đơn tố cáo nặc danh, giấu tên”; “Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp giải quyết tố cáo phải xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo mang tính bịa đặt, đả kích, gây dư luận xấu đối với người khác”.
Quy định số 37-QĐ/TƯ cũng nêu rõ những hành vi không được làm là: “Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt; cùng người khác viết, ký tên trong đơn tố cáo; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Gửi hoặc phát tán đơn khiếu nại, tố cáo dưới mọi hình thức đến nơi không có thẩm quyền giải quyết...; kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo”.
Hành vi tố cáo sai sự thật gây nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ chính là biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định.