Văn hóa

Văn học, nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất: Chuyển mình đầy khát vọng

An Nhi 31/03/2024 10:14

Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với các lĩnh vực khác, văn học, nghệ thuật Thủ đô bước vào một chặng đường mới nhiều thách thức song cũng tràn đầy khát vọng.

Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển, có điều kiện chuyên tâm sáng tác, cống hiến đã cho ra đời những tác phẩm với đề tài trải rộng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, tạo nên diện mạo mới cho văn học, nghệ thuật nước nhà. Nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện nền văn học, nghệ thuật Thủ đô, Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 226-KH/TU ngày 21-3-2024 về Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)...

nghe-si.jpg
Các nghệ sĩ biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”.

Thành tựu mới trên mọi lĩnh vực

Nhìn nhận gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chuyển động theo từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Quãng thời gian 10 năm trước đổi mới, các sáng tác văn học, nghệ thuật vẫn tập trung vào đề tài kháng chiến, ca ngợi chiến thắng vẻ vang, niềm vui thống nhất đất nước... Năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cũng là lúc văn học, nghệ thuật có bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhìn nhận thấu đáo hơn về lịch sử, phản ánh về thân phận, cuộc sống của những con người bình thường đã trở thành xu hướng sáng tác ở giai đoạn này. Trong văn học có các tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn” (Ma Văn Kháng), “Mùa hoa cải bên sông” (Nguyễn Quang Thiều), “Thương nhớ đồng quê” (Nguyễn Huy Thiệp)… Ở sân khấu, nổi bật là kịch của tác giả Lưu Quang Vũ, tạo nên một thời kỳ hoàng kim cho sân khấu nước nhà. Điện ảnh thời kỳ này có “Tướng về hưu”, “Mùa ổi”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Bến không chồng”… Lĩnh vực mỹ thuật cũng ghi nhận thành tựu của nhiều danh họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đình Thọ, Trần Lưu Hậu, Cao Trọng Thiềm...

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ thế kỷ XXI và sự hội nhập quốc tế sâu rộng tạo đà thúc đẩy văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển với nhiều dấu ấn. Bên cạnh những nhà văn, nhà thơ kỳ cựu vẫn hăng say sáng tác, nhiều cây bút trẻ đã tạo nên dấu ấn cho văn học, nghệ thuật thời kỳ mới như Lữ Mai, Đức Anh, Nhật Phi, Hiền Trang…

Trong âm nhạc, Hà Nội ấn tượng với Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”, "Hay Glamping Music Festival"... cùng sự phát triển đa dạng loại hình, từ giao hưởng, thính phòng đến pop, rock, điện tử với nhiều nghệ sĩ trẻ nổi bật. Sân khấu phát triển nhiều hình thức thịnh hành thế giới như nhạc kịch, trình diễn kết hợp điện ảnh, công nghệ… Mỹ thuật, nhiếp ảnh chứng kiến nhiều sự thay đổi nhờ các hình thức nghệ thuật sắp đặt, video art, 3D mapping, flycam, thực tế ảo... đầy sáng tạo và hấp dẫn.

Vươn lên xứng tầm

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, dòng mạch chủ yếu của văn học nghệ thuật Thủ đô vẫn là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc; phản ánh chân thật cuộc sống và lao động, sáng tạo của nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Kế thừa và phát huy những thành tựu văn học, nghệ thuật gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, trong giai đoạn tiếp theo, văn học, nghệ thuật Thủ đô cần có bước đột phá hơn nữa, có nhiều tác phẩm xứng tầm, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng chỉ ra một số lĩnh vực văn học, nghệ thuật giàu tiềm năng, lợi thế. cần đầu tư phát triển.

Lấy ví dụ về bộ phim “Đào, phở và piano”, nhà biên kịch Cao Ngọc Thắng (Hội Điện ảnh Hà Nội) cho rằng, điện ảnh cũng như văn học, nghệ thuật thời kỳ mới cần quan tâm đến thị trường. Sáng tạo nghệ thuật phải đáp ứng được thị hiếu của công chúng. Tác phẩm vừa có nội dung tư tưởng tốt, hướng đến cái đẹp, nhân văn vừa phải thỏa mãn yếu tố thưởng thức hiện nay mới tạo được dấu ấn.

Qua phân tích về xu hướng âm nhạc hiện nay, PGS.TS Trần Hoàng Tiến (Hội Âm nhạc Hà Nội) cho rằng cần đầu tư nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian để bảo tồn và làm chất liệu cho sáng tác thời kỳ mới mang bản sắc riêng; phát triển quỹ trao giải thưởng cho các lĩnh vực sáng tác; khuyến khích sáng tác hòa nhập với khu vực và quốc tế…

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 226-KH/TU ngày 21-3-2024 về Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện nền văn học, nghệ thuật Thủ đô. Theo đó, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành sẽ tổ chức nhìn nhận, đánh giá từng lĩnh vực cụ thể, qua đó đề ra giải pháp kế thừa, phát huy, phát triển trong giai đoạn mới.