NSƯT Bùi Thu Huyền: Theo đuổi dòng nhạc dân gian là đòi hỏi sự dấn thân
Trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai, đến nay, sau gần 20 năm gắn bó, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Bùi Thu Huyền dần khẳng định giọng hát dân gian đẹp, mượt mà hiếm có.
Mới đây, chị là một trong 7 nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).
1. Tôi gặp ca sĩ Bùi Thu Huyền trong một ngày tháng 3 đầy nắng, niềm vui vì vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT vẫn lấp lánh trong ánh mắt của cô gái quê nhãn Hưng Yên. Chị bảo, với chị mọi công việc vẫn cứ tiếp diễn, chỉ có điều tâm thế và trách nhiệm nặng nề hơn, phải làm sao xứng đáng với niềm vinh dự này. “Có được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu còn khó hơn rất nhiều. Hơn nữa, ca hát là nghề không có điểm dừng, bởi vậy tôi luôn tự nhủ mình không thể tự hài lòng với những điều mình đã có, mà phải luôn học tập, nỗ lực phấn đấu thật nhiều".
Bùi Thu Huyền kể, mẹ của chị rất đam mê dân ca, vì thế, từ thuở còn nằm nôi chị đã được bà hát cho nghe những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng. Cứ thế chị lớn lên song hành cùng tình yêu âm nhạc truyền thống. Tuổi thơ của chị là những buổi trưa trốn ngủ ra bờ đê sông Hồng nghêu ngao hát, để tiếng hát của mình hòa cùng tiếng gió rì rào bên những hàng tre, rặng nhãn và tiếng sóng vỗ ầm ào…
Năm 1999, cô gái 18 tuổi Bùi Thu Huyền đã “vượt vũ môn”, khẳng định được tên tuổi của mình với giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Hưng Yên - cuộc thi âm nhạc lớn nhất của tỉnh. Đó cũng là tiền đề, là nền tảng vững chắc để chị tự tin bắt đầu khám phá hành trình âm nhạc khi trúng tuyển khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Có năng khiếu, lại được học hành, đào tạo bài bản, chỉ 3 năm sau chị đã giành liên tiếp 3 giải thưởng lớn: Giải Nhất Liên hoan tiếng hát phát thanh - truyền hình tỉnh Hưng Yên, Huy chương vàng Liên hoan đàn và hát dân ca “Giai điệu quê hương”, Huy chương vàng Giọng hát trẻ khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
2. Nếu giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Hưng Yên là “bước đệm” để Bùi Thu Huyền bước chân vào học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thì việc giành giải Nhì (dòng dân gian) cuộc thi Sao Mai năm 2007 là “bước đệm” để chị về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sao Mai thực sự là sân chơi lớn với chị, nơi chị phải trải qua những vòng thi hết sức khắt khe, đặc biệt là có cơ hội được cọ xát, học hỏi từ rất nhiều ca sĩ tài năng. Rất nhiều ca sĩ thi Sao Mai năm đó nay đã trở thành những giọng ca nổi tiếng, như Đinh Thành Lê, Lê Anh Dũng… Với riêng Bùi Thu Huyền, Sao Mai thực sự là “bệ đỡ” cho con đường âm nhạc chuyên nghiệp sau này.
Bùi Thu Huyền luôn tự hào khi được gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam suốt 17 năm qua, bởi đây được coi là “cái nôi” đào tạo và là nơi thành danh của rất nhiều ca sĩ hàng đầu của đất nước. “Trước đây khi phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển, phát thanh là loại hình chủ yếu để chuyển tải thông tin. Vì thế, biết bao ca sĩ đã được khán, thính giả biết đến và yêu thích qua loại hình này. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi luôn được quan tâm, tạo điều kiện tốt để phát triển nghề nghiệp. Tôi coi đây là lợi thế và cũng là may mắn trong con đường nghệ thuật của mình” - chị nói.
Trong những chương trình biểu diễn trong và ngoài Đài Tiếng nói Việt Nam, khán giả thường rất ấn tượng với phần trình diễn của “bộ ba” gồm NSND Diệu Hương, NSND Mai Hoa và Bùi Thu Huyền. Họ đồng hành cùng nhau trên nhiều sân khấu, nhiều đến mức mà đôi khi người ta vẫn nghĩ họ là một nhóm nhạc.
Chia sẻ về thông tin thú vị này, Bùi Thu Huyền cho biết: “Chúng tôi ở ngoài đời chơi rất thân với nhau nên hiểu nhau qua từng ánh mắt, cử chỉ, hơn nữa, màu giọng của chúng tôi cũng hợp nhau. Thế nhưng chúng tôi chưa khi nào có ý định thành lập nhóm nhạc cả, mỗi người đều có sự nghiệp âm nhạc riêng”.
Bùi Thu Huyền đã biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới và cũng đã mang tiếng hát đến với cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa. Đến với những khán giả đặc biệt, chị cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm, sứ mệnh của mình với dòng nhạc dân gian.
“Cuối năm vừa qua, tôi có chuyến lưu diễn phục vụ bà con kiều bào đón năm mới tại 3 nước châu Âu: Cộng hòa Séc, Cộng hòa Liên bang Đức và Hungary kéo dài 2 tuần. Khi biểu diễn tại Cộng hòa Séc, thật xúc động khi có khán giả nhận ra tôi sau đúng 15 năm (khi tôi lưu diễn cùng NSND Thanh Hoa vào năm 2009) và mong muốn được song ca lại với tôi bài hát “Chim trắng mồ côi”. Những cái nắm tay và cái ôm thật chặt cũng như giọng nói, đôi mắt rưng rưng của họ đã khiến tôi thấy sức mạnh của âm nhạc thật lớn lao” - chị nhớ lại.
Nhắc đến những thế hệ tiền bối của dòng nhạc dân gian như các nghệ sĩ Thanh Hoa, Thu Hiền, Trung Đức… rồi đến thế hệ Anh Thơ, Trọng Tấn…, Bùi Thu Huyền bảo, để có thể theo đuổi và thành danh người ca sĩ phải thực sự dấn thân.
“Ca sĩ dòng nhạc dân gian thì không thể ăn xổi, không thể nóng vội mà phải có quá trình lao động nghệ thuật hết sức vất vả. Hơn nữa, để có thể hiểu từng lời ca, giai điệu thì bản thân ca sĩ phải dành thời gian tìm hiểu nhiều nền văn hóa ở các vùng miền. Đặc biệt, ca sĩ dòng nhạc dân gian chỉ có một lượng khán giả riêng. Điều đó đòi hỏi mỗi ca sĩ của dòng này phải có sự bứt phá mạnh mẽ” - chị chia sẻ.
3. Để theo con đường nghệ thuật một cách đam mê và tâm huyết, NSƯT Bùi Thu Huyền đã có sự trợ giúp đắc lực của chồng - Trung tá, nhạc sĩ, NSƯT (đàn bầu) Nguyễn Tất Nghĩa (Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân). Vợ chồng chị quen nhau từ thuở còn là sinh viên. Ngày ấy, họ thường đi diễn cùng nhau, Thu Huyền thì hát còn Tất Nghĩa thì chơi đàn bầu và đệm keyboard. Cùng chung hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cứ hết giờ học họ lại lao đi biểu diễn, thậm chí có hôm còn nhịn cơm để kịp giờ đi diễn. Cứ thế, tình yêu đôi lứa và tình yêu nghệ thuật dẫn lối và đưa họ quấn quít, gần gũi với nhau hơn. Tình yêu nghệ thuật ấy giờ đây tiếp tục được anh chị trao truyền cho 2 người con trai (một cháu học lớp 6, một cháu học lớp 9) khi các cháu đều bộc lộ năng khiếu âm nhạc.
Là ca sĩ thuộc thế hệ 8x, Bùi Thu Huyền mạnh dạn đầu tư phát triển kênh YouTube với mong muốn lan tỏa giọng hát đến gần hơn với khán giả. Dù hát trực tiếp hay gián tiếp, chị vẫn luôn giữ được tâm thế và trách nhiệm của mình là làm gì cũng phải hết sức và cố gắng. Niềm khao khát lớn nhất của chị là được hát, được cống hiến cho khán giả. Chị biết ơn âm nhạc bởi âm nhạc đã đưa chị, một cô bé nơi Phố Hiến đến với danh hiệu NSƯT và rồi đây, âm nhạc sẽ tiếp tục đồng hành cùng chị để phục vụ khán giả ở khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài.
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Thu Huyền sinh năm 1981, tại Hưng Yên. Ngoài giải Nhì cuộc thi Sao Mai, chị từng giành một số giải thưởng lớn, như Huy chương bạc Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005, Huy chương vàng Liên hoan đàn và hát dân ca toàn quốc năm 2000 và 2003… Năm 2009, chị thực hiện album “Gửi người thương câu hát”. Từ đó đến nay, Bùi Thu Huyền thường xuyên hát giao lưu với người hâm mộ qua mạng xã hội và làm các MV trên YouTube.