Tài chính

Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Đặng Việt Hưng: Sàn giao dịch sẽ tháo gỡ “điểm nghẽn” cho thị trường vàng

Vĩnh Hà thực hiện 31/03/2024 - 06:51

Trong bối cảnh dòng chảy thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, hoạt động giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam vẫn tăng trưởng, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

san-vang-1.jpg
Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Đặng Việt Hưng.

Bên cạnh mục tiêu phát triển quy mô giao dịch, xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt, việc thành lập sàn giao dịch vàng trong thời gian tới là giải pháp để tháo gỡ những “điểm nghẽn” của thị trường vàng hiện nay. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Đặng Việt Hưng.

Giá trị giao dịch đạt 5.200 tỷ đồng/ngày

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình thị trường nguyên liệu hàng hóa Việt Nam hiện nay?

- Từ đầu năm 2024 tới nay, thị trường hàng hóa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều bị ảnh hưởng bởi những bất ổn trong hoạt động vận tải hàng hóa, đặc biệt là căng thẳng ở biển Đỏ. Đây là tuyến vận tải quan trọng đưa hàng hóa của Việt Nam đến với thị trường châu Âu, bờ Đông Hoa Kỳ và ngược lại.

Trong quý I-2024, hầu hết các mặt hàng đang giao dịch liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đều có biến động lớn. Trong đó, có nhiều mặt hàng phá vỡ các kỷ lục giá trước đó, điển hình là ca cao và cà phê.

Năm ngoái, thời điểm giá ca cao tiệm cận mức cao nhất trong vòng 50 năm là 4.200 USD/tấn, các nhà phân tích đã lưu ý giá mặt hàng này còn có thể cao hơn nữa do El Nino đang đe dọa đến các nước sản xuất lớn nhất tại khu vực châu Phi.

Với mặt hàng cà phê Robusta, cả doanh nghiệp và người nông dân có lẽ chưa bao giờ nghĩ đến mức giá 100.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại. Thị trường hàng hóa có thể sẽ còn sôi động hơn nữa trong thời gian tới.

- Trong bối cảnh đó, hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đóng góp ra sao cho chuỗi cung ứng và nền kinh tế Việt Nam?

- Trong bức tranh chung của nền kinh tế, hoạt động giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới đã trở thành điểm sáng. Trong quý I-2024, giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đạt trung bình 5.200 tỷ đồng/ngày, tăng hơn 18% so với quý IV-2023 và tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này đến từ sự hấp dẫn của kênh giao dịch hàng hóa so với các kênh đầu tư truyền thống khác. Cụ thể là thời gian giao dịch 24 giờ mỗi ngày; các sản phẩm giao dịch đa dạng, liên thông với thế giới; tính thanh khoản và minh bạch cao.

Hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đang niêm yết giao dịch các loại hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng chênh lệch giá. Đây vừa là kênh đầu tư, vừa là công cụ bảo hiểm giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp không bị động trước những cơn sốt giá, chủ động trong mọi diễn biến. Khi được triển khai sâu rộng tới các doanh nghiệp, công cụ này sẽ đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.

- Vậy, những thông tin thị trường hàng hóa của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã hỗ trợ gì cho hoạt động của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, thưa ông?

- Hiện tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam là đơn vị duy nhất cung cấp thông tin chính thống về thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Thông tin về thị trường hàng hóa được Sở cập nhật liên tục từ các sở giao dịch hàng hóa liên thông, các đối tác, tổ chức uy tín nhất trên thế giới, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, giúp doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng có những ứng phó nhanh nhạy và hiệu quả trước những biến động của thị trường thế giới.

san-vang-1a.jpg
Khách mua bán vàng tại cửa hàng Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm

Đã đến lúc hình thành sàn giao dịch vàng

- Thời gian qua, thị trường vàng diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu hình thành sàn giao dịch vàng chính thống. Ông nghĩ sao về việc này?

- Trên thế giới, sàn giao dịch vàng là mô hình phổ biến tại nhiều quốc gia. Khi đưa vàng vào giao dịch trên sàn, khớp lệnh công khai, minh bạch, người tham gia có thể nắm rõ thị trường, từ đó đưa ra quyết định giao dịch sáng suốt hơn, trong khi Nhà nước cũng dễ dàng kiểm soát thị trường hơn.

Một điểm quan trọng nữa là nếu chúng ta có sàn giao dịch vàng thì việc liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới rất dễ dàng, do đó không nhất thiết phải nhập khẩu về mà chỉ cần đặt lệnh mua bán là có thể trao đổi được ngay với đối tác nước ngoài, từng bước tạo ra thế cân bằng giá với thị trường giao dịch quốc tế. Theo tôi, việc thành lập sàn giao dịch vàng, liên thông với quốc tế là điều rất cần thiết để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “nút thắt” của thị trường vàng hiện nay, phát huy được sự đóng góp tích cực của thị trường vàng đối với nền kinh tế.

- Ông có thể cho biết những định hướng và đổi mới của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới?

- Bên cạnh mục tiêu phát triển quy mô giao dịch, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đang nghiên cứu và tạo nền móng xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, như: Cà phê, cao su, thịt lợn... Đây là một trong những kế hoạch trọng tâm của Sở trong giai đoạn 2023-2028, giúp phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến trong năm 2024, các sàn giao dịch cao su và thịt lợn tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi vào hoạt động. Các sàn giao dịch cà phê và tín chỉ carbon dự kiến sẽ được vận hành trong năm 2025.

Các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt sẽ giúp giải nhiều bài toán với từng mặt hàng cụ thể, nhưng tựu trung lại, sẽ giúp hoạt động sản xuất và thương mại của Việt Nam trở nên minh bạch, hiện đại, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá trong tương lai.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, trọng tâm là với các sở giao dịch hàng hóa và các đối tác công nghệ lớn trên thế giới. Theo kế hoạch, trong quý II-2024, Sở sẽ hoàn thành việc liên thông giao dịch với các sở giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc, tiến tới mục tiêu niêm yết chéo các sản phẩm giao dịch, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.

Sở cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước sớm triển khai xây dựng nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.

- Chúng ta còn những tồn tại, khó khăn gì cần tháo gỡ?

- Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã giao dịch liên thông với các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, hoạt động giao thương vì thế trở nên minh bạch và chuyên nghiệp, thu hút sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam vẫn còn non trẻ so với lịch sử hàng trăm năm phát triển của các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới. Quá trình phát triển và hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải liên tục cập nhật, thay đổi để theo kịp xu hướng của thế giới. Pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam chưa phát huy hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ trong các chính sách, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam mà còn của các bộ, ngành liên quan. Các quy định cần phải sớm được hoàn thiện, ban hành để phù hợp với thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, hoạt động bảo hiểm giá cần được đẩy mạnh mảng thông tin tuyên truyền, giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả, phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ của Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành liên quan; sự hỗ trợ của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc lan tỏa và phổ cập thông tin về thị trường đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. Điều này cũng sẽ giúp hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nói riêng và thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung ngày càng trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!