Giới trẻ

Khơi mở phẩm chất người Hà Nội trong tuổi trẻ Thủ đô: Kiên trì thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực

Thảo Trang ghi 31/03/2024 09:22

Để tài sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Hà Nội - chất hào hoa, thanh lịch - ngấm, thấm và được từng người thực hiện trong điều kiện tăng dân số cơ học ở mức cao và xu hướng chạy theo lối sống thực dụng... là không dễ.

Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia, cán bộ lãnh đạo đã đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực.

nguoi-hn-2.jpg
Dạy con bỏ rác đúng nơi quy định. Ảnh: Bùi Anh Tuấn

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam:
Tạo môi trường trong lành để phát huy đầy đủ phẩm chất người Hà Nội

yk-phong.jpg

Hằng năm, có ít nhất hơn 4.000 công dân của Hà Nội được tuyển chọn nhập ngũ. Ngoài số này, mỗi năm có hàng trăm thanh niên Hà Nội thi đỗ vào các học viện, nhà trường quân đội để hiện thực hóa ước mơ cống hiến và xây dựng lực lượng vũ trang lâu dài. Vào quân ngũ, họ mang theo tài sản tinh thần là chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội, góp phần nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, lãng mạn và dệt tâm hồn, giúp khí phách người lính trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở tầm cao, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng sáng ngời.

Từ nhiều năm nay, Quân đội đã tổ chức thực hiện rất thành công phong trào xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh và phong phú. Các thiết chế văn hóa ở các cơ quan, đơn vị cơ sở trong toàn quân không ngừng được đầu tư, nâng cao và ngày càng hiện đại hướng tới xây dựng nhân cách quân nhân cách mạng không chỉ đẹp, hào hoa mà còn là những chiến sĩ có tinh thần cống hiến, vượt gian khó, không ngại hy sinh. Các đơn vị đã đẩy mạnh Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” bằng nhiều biện pháp sáng tạo. Những giá trị mà các đơn vị trong toàn quân hướng tới không chỉ phù hợp mà còn góp phần phát triển chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội.

Trong thực tiễn, đã có nhiều chiến sĩ người Hà Nội phát triển, trở thành những vị tướng tài trong quân đội. Cũng trong thực tiễn, nhiều văn nghệ sĩ quê Hà Nội sống trong môi trường quân đội đã cho ra những tác phẩm văn học nghệ thuật mang hơi thở cuộc sống, làm sáng đẹp hơn văn hóa quân sự thời đại Hồ Chí Minh và văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, tạo lập được môi trường trong lành, phát huy đầy đủ chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội như trong môi trường quân ngũ là rất đặc biệt, và đây cũng là đề tài hấp dẫn các nhà khoa học văn hóa nghiên cứu, phát triển.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Chú trọng xây dựng nền nếp, gia phong trong mỗi gia đình

yk-ben.jpg

Có hai không gian mà người Hà Nội thể hiện sự thanh lịch, hào hoa, đó là cộng đồng và gia đình.

Ở cộng đồng, người Hà Nội thường mặc lịch sự, chỉn chu, đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, nhất là khi dự các sự kiện. Họ hòa đồng với tập thể, quan tâm đến người khác với lời nói, giọng điệu từ tốn chứ không sỗ sàng hoặc thái quá. Có điều đặc biệt ở người Hà Nội trong giao tiếp ứng xử ngoài cộng đồng, đó là tôn trọng người đối thoại và tránh gây to tiếng hay gây mâu thuẫn, thuận theo hướng “thêm bạn bớt thù”, “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Ở gia đình người Hà Nội, ông bà, cha mẹ và con cháu thường dùng trang phục lịch sự, trang nhã, lời nói rất nhẹ nhàng. Con gái Hà Nội giữ công, dung, ngôn, hạnh, dịu dàng, ý tứ từ bước đi, ánh mắt, nụ cười e thẹn, kín đáo... Ăn uống tại gia đình cũng thể hiện sự thanh lịch, hào hoa đậm đặc. Chả phải ngẫu nhiên mà người ta gọi ẩm thực Hà Nội là nghệ thuật.

Người Hà Nội xưa coi trọng không gian gia đình và họ xây dựng, giữ gìn nền nếp gia phong rất cẩn thận, nhất là gia đình các nhà Nho, các quan chức. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu kính trọng học tập và noi theo. Có thể nói, gia đình người Kẻ Chợ vừa là nơi trao truyền, dạy dỗ, vừa là nơi thể hiện sự thanh lịch, hào hoa.

Nhưng ở thời công nghiệp hóa, khi dân số cơ học tăng nhanh, khi quan hệ hợp tác phát triển và mở rộng, mô hình gia đình xưa bị phá vỡ. Cái thanh lịch, hào hoa trở nên nhỏ nhoi, mong manh và bị lối sống thời kinh tế thị trường đè nén, bị lãng quên và thậm chí bị coi là cổ hủ, lạc hậu.

Để chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội tiếp tục tỏa sáng thì cần chú trọng xây dựng nền nếp, gia phong trong gia đình. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để giáo dục con trẻ, duy trì gia phong, rèn con trẻ hướng đến nét đẹp văn hóa ấy. Đó chính là cách tốt nhất để chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội được gìn giữ, phát huy.