Giới trẻ

Khơi mở phẩm chất người Hà Nội trong tuổi trẻ Thủ đô: Cảm hứng sống có lý tưởng

An Định 31/03/2024 - 06:21

Chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội từ lâu đã là nét đẹp mang tính biểu tượng, được khai thác rất nhiều trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Và vẻ đẹp ấy vẫn có sức tác động mạnh mẽ đến giới trẻ hôm nay, truyền cho họ cảm hứng sống lý tưởng, nhất là khi nó được truyền tải bởi một hình thức nghệ thuật hấp dẫn, mà phim “Đào, phở và piano” là một ví dụ.

nguoi-hn-3.jpg
Bộ phim "Đào, phở và piano" thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Dư vị “Đào, phở và piano”

Một buổi trưa giữa tuần cuối tháng 3, phòng chiếu số 1 của Trung tâm Chiếu phim quốc gia vẫn gần kín khán giả đến xem phim “Đào, phở và piano”. “Cơn sốt” đã không đi qua nhanh chóng như thường thấy. Bộ phim không sử dụng kỹ xảo hoành tráng, không kịch tính nghẹt thở, cũng chẳng nhiều phân đoạn rơi nước mắt... song lại có dư vị rất riêng khi cho ra được "chất Hà Nội". Chính điều đó đã thuyết phục được người xem.

Câu chuyện phim diễn ra trong vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ. Đó là ngày cuối cùng trong sự kiện 60 ngày đêm Hà Nội kiên cường chiến đấu giữ chân địch để Trung ương an toàn rút lên chiến khu Việt Bắc, mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, vào thời điểm tháng 2-1947. Quân dân Thủ đô đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, bằng mọi giá giam chân địch trong thành phố. Đây là sự kiện đã đi vào nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu... như một khúc tráng ca hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm tỏa sáng giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Nhân vật trong “Đào, phở và piano” là những chàng trai, cô gái, cậu bé đánh giày, ông họa sĩ, vợ chồng hàng phở, vị linh mục..., mỗi người đều thể hiện cốt cách Hà Nội. Có lẽ với nhiều người xem hôm nay, phim có không ít chi tiết “kịch” đến vô lý. Chẳng hạn như trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, ranh giới sống - chết mong manh nhưng những chiến sĩ Vệ quốc quân vẫn sẵn sàng chuyển chiếc piano từ trên tầng cao xuống để cô gái mang đi, trong khi ai cũng biết cô gái ấy một thân một mình giữa bom đạn thì mang đàn đi đâu được? Hay chi tiết chàng trai bất chấp nguy hiểm mang về chiến lũy bằng được một cành đào. Rồi chuyện ông hàng phở yêu gánh phở hơn cả mạng sống...

Nhưng đó cũng chính là chất hào hoa, lãng mạn của người Hà Nội mà chúng ta đã thấy thấp thoáng đâu đó trong bài thơ nổi tiếng “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng, dù “Quân xanh màu lá” vẫn “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, hay những trang viết "Sống mãi với Thủ đô" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng... Tinh thần ấy nay được gửi gắm trong hình ảnh đầy tính biểu tượng của "Đào, phở và piano".

Cảm nhận của giới trẻ

Điều thú vị là mặc dù đề cập đến một đề tài không mới song “Đào, phở và piano” trở thành “trend”, tạo “cơn sốt phòng vé” lại bắt đầu từ cảm nhận của giới trẻ, đặc biệt là hiệu ứng từ phần chia sẻ trên mạng xã hội của một TikToker. Nhiều cư dân mạng bình luận rằng, nếu không có TikToker này thì họ sẽ không thể biết tới một bộ phim lịch sử hấp dẫn như vậy. Khá nhiều người trẻ đã nô nức đi xem bộ phim này. Hình ảnh giới trẻ xếp hàng dài tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia để có được tấm vé xem phim cùng với nhiều bài “review” (bình luận phim) trên mạng xã hội đã “thêm lửa” vào cơn sốt vé.

Nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân chia sẻ trên trang cá nhân: “Đào, phở và piano” làm lay động lòng người. Câu chuyện tái hiện hình ảnh con người Hà Nội, con người Việt Nam đã kiêu hùng bước vào cuộc chiến và ra khỏi cuộc chiến sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và thấm đẫm nhân văn như thế nào. Đó là lý do sau khi những cảnh cuối cùng của phim vừa chấm dứt, khán giả đồng loạt vỗ tay không ngớt dù rằng hôm nay không phải buổi ra mắt phim, không trong liên hoan, chỉ khán giả thuần chất mua vé đi xem, họ vỗ tay là vì bộ phim quá hay và cảm động, họ tự hào vì đã quyết định đến rạp xem phim này”.

Không chỉ khán giả lớn tuổi, nhiều học sinh cũng chia sẻ đã khóc khi xem bộ phim này. Minh Anh, học sinh Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, sau khi xem phim, em đã lên mạng tìm thêm tài liệu liên quan tới bối cảnh bộ phim. Trên mạng cũng xuất hiện không ít clip đề cập tới việc học sinh “lũ lượt học lịch sử” sau khi xem phim này.

Hiệu ứng đặc biệt của bộ phim với giới trẻ đã giúp “Đào, phở và piano” được chọn chiếu tại Lễ hội Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh 2024 (diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24-3). Cùng với những hoạt động khác, bộ phim được kỳ vọng mang đến cho thanh niên thông điệp đẹp về lối sống có lý tưởng.

Trong một buổi trò chuyện về điện ảnh gần đây với chủ đề "Từ “Hà Nội mùa đông năm 46” đến “Đào, phở và piano", đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ, ông thấy rất vui trước những lời khen và cả lời góp ý bởi "chừng nào khán giả còn quan tâm, còn "soi" thì chừng đó những người làm phim về đề tài lịch sử vẫn còn hy vọng". Với hiệu ứng của bộ phim, đặc biệt là cảm nhận của giới trẻ, chúng ta có thêm niềm tin rằng những bộ phim hay về lịch sử, về con người Hà Nội vẫn có sức lay động lớn lao.

Chính điều đó sẽ giúp thông điệp sống có lý tưởng, sống đẹp, sống lãng mạn, hào hoa như thế hệ cha ông sẽ truyền được đến giới trẻ để họ viết tiếp những câu chuyện của hôm nay.