Báo Hànộimới phát động cuộc thi viết "70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 67 năm Ngày Báo Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024), chiều 28-3, Báo Hànộimới phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”.
Tới dự có nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới; nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, lãnh đạo các cơ quan báo chí của Hà Nội và đông đảo các nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo của trung ương và Thủ đô Hà Nội.
Sân chơi bổ ích cho những người viết, cả chuyên nghiệp và không chuyên
Phát biểu tại Lễ phát động, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh: Cuộc thi là một hoạt động có ý nghĩa góp phần vào hoạt động chung của thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, thiết thực kỷ niệm 67 năm Ngày Báo Hànộimới hằng ngày ra số đầu tiên, kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989 - 2/4/2024).
Đồng thời, tiếp tục góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm của Báo Hànộimới, tăng cường quảng bá thương hiệu tờ báo Đảng của Thủ đô Hà Nội.
Khẳng định “viết về Hà Nội luôn là một nhu cầu tự thân, một cách bày tỏ tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô yêu dấu”, đồng chí Nguyễn Minh Đức chia sẻ: “Đã có không ít cuộc thi viết về Hà Nội trên các báo bạn cũng như trên Báo Hànộimới nhiều năm qua, nhưng ngàn năm kiến tạo bản sắc của mảnh đất kinh kỳ văn hiến cũng như khát vọng đi lên của thành phố luôn là nguồn cảm hứng lớn đối với mỗi người cầm bút. Chính vì vậy, cuộc thi viết mang tên: Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: “Ký ức tự hào” của Báo Hànộimới hướng tới tạo dựng sân chơi cho người viết chuyên nghiệp và không chuyên, người Việt Nam ở trong và ngoài nước, người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam tiếp tục có cơ hội bày tỏ tình yêu Hà Nội từ góc nhìn riêng của mỗi người”.
Góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"
Từng gắn bó với Báo Hànộimới ở vị trí Tổng Biên tập, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ niềm vui, đánh giá cao việc Báo Hànộimới tổ chức cuộc thi giàu ý nghĩa này.
Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Cả 2 mốc son kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tiếp nối nhau, tạo mối liên hệ kỳ diệu, phải có sự kiện này mới dẫn tới sự kiện kia và Hà Nội luôn nằm ở vị trí trung tâm.
"Cái tên của cuộc thi chắc chắn sẽ gợi mở để thu hút nhiều tác phẩm hay, cảm động, nhắc nhớ quá khứ để thêm tự hào, để thêm yêu Hà Nội, để thấy trách nhiệm hơn đối với Hà Nội ngày hôm nay. Đề tài về Hà Nội không bao giờ cũ, tình yêu đối với Hà Nội luôn hiện hữu, và tôi tin, chất lượng các bài viết sẽ tạo sự lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân xây dựng Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân cả nước, sự yêu mến của bạn bè quốc tế", nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ tại lễ phát động, các cộng tác viên thân thiết của Báo Hànộimới như: Nhà báo Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Báo Thời Nay - Báo Nhân Dân, ông Trần Văn Mỹ - cây viết có gần 60 năm cộng tác với Báo Hànộimới, đều khẳng định sẽ tích cực tham gia cuộc thi. Đồng thời tin tưởng, các tác phẩm được đăng tải không chỉ là sự tiếp nối ký ức hào hùng của 70 năm Giải phóng Thủ đô, mà còn góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về đất nước và con người Việt Nam, về Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, năng động, sáng tạo và phát triển đến với đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Theo Ban tổ chức, các tác phẩm dự thi có thể là những hồi ức, ký ức, tư liệu về những kỷ niệm hoặc nhân vật lịch sử liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và thời kỳ tiếp quản Thủ đô (tháng 10-1954); hoặc phản ánh không khí đời sống xã hội ở Hà Nội thời kỳ sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954) và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng như tinh thần gương mẫu, đi đầu của quân và dân Thủ đô trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và đóng góp chi viện cho tiền tuyến miền Nam…
Cùng với đó là chủ đề về đời sống xã hội ở Thủ đô trong những năm tháng Đổi mới; thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội sau gần 40 năm Đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Bên cạnh đó là các tác phẩm truyền tải những cảm xúc, cảm nhận về những giá trị cốt lõi của mảnh đất và con người Hà Nội; gương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Công dân Thủ đô ưu tú, gương Người tốt việc tốt tiêu biểu, có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; cũng như phản ánh những nét đẹp trong cuộc sống hằng ngày ở Thủ đô ngàn năm văn hiến; những sáng kiến, đề xuất nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”...
Với sự phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, Ban tổ chức tin tưởng các tác phẩm dự thi sẽ góp phần cổ vũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô quyết tâm khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khoá XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ sau lễ phát động (ngày 28-3-2024) đến hết ngày 10-9-2024 (theo thời gian trên dấu bưu điện hoặc hiển thị trên hộp thư điện tử).
Tác phẩm dự thi thuộc thể loại tản văn, bút ký, ghi chép, phóng sự, phóng sự ảnh. Mỗi tác phẩm không quá 1.500 chữ (đối với thể loại bút ký, ghi chép có thể viết loạt bài nhưng tối đa 3 kỳ, mỗi kỳ không quá 1.500 chữ) và có ảnh minh họa.
Tác phẩm dự thi gửi tới địa chỉ: Tòa soạn: 44 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (điện thoại liên hệ: 0913531535); hoặc qua đường thư điện tử tới địa chỉ: chuyensan@hanoimoi.com.vn và ghi rõ trên tiêu đề: Bài tham dự cuộc thi viết: Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: “Ký ức tự hào”.
Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng, 2 giải Nhì (15 triệu đồng/giải), 3 giải Ba (10 triệu đồng/giải), 10 giải Khuyến khích (3 triệu đồng/giải).
Tác phẩm dự thi có chất lượng sẽ đăng trên Báo điện tử Hànộimới và ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (phát hành ngày thứ năm hằng tuần) và sẽ được trả nhuận bút theo quy định của Báo Hànộimới.
Dự kiến lễ tổng kết và trao giải vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 10-10-2024.