Xã hội

Cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động nữ

Hải Hà 28/03/2024 15:46

Làm thế nào để ngăn chặn rút bảo hiểm xã hội một lần, dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động, đặc biệt là lao động nữ được Tổng Liên đoàn Lao động đặc biệt quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đây là đối tượng dễ bị tổn thương. Vì vậy, việc góp ý của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn về các nội dung liên quan đến quyền của lao động nữ tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là hết sức cần thiết nhằm đề xuất các quy định đảm bảo tính khả thi, bình đẳng giới và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ.

Hai phương án hưởng bảo hiểm

Dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 5-2024, song dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn còn khá ngổn ngang, trong đó có quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri, cơ quan chức năng, dự thảo Luật mới nhất trình ra hội nghị thiết kế 2 phương án người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1 quy định tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo đó, khác với quy định hiện hành là dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Với phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo phân tích của cơ quan soạn thảo, nếu theo hướng đi này sẽ không tạo "lát cắt" giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực. Song việc quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng nên người lao động có tâm lý bị giảm, hạn chế quyền lợi. Đồng thời, phương án này cũng không giải quyết triệt để được việc rút bảo hiểm xã hội một lần, không giải quyết được thực trạng một người có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

Lắng nghe tiếng nói lao động nữ

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, số người rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là nữ; đối tượng không được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội chủ yếu là nữ, đây cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trong phạm vi của đạo luật này. Vì vậy, việc góp ý của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ nữ công về các nội dung liên quan đến quyền của lao động nữ là hết sức cần thiết, từ đó đề xuất các quy định đảm bảo tính khả thi, đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ.

Góp ý vào dự thảo, cụ thể là mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp bảo hiểm xã hội tự nguyện, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: Khoản 1 Điều 93 dự thảo Luật quy định: “Mức hưởng 2.000.000 đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu” là quá thấp và không còn phù hợp nên cần nâng mức hỗ trợ này.

anh(2).jpg
TS Bùi Sỹ Lợi góp ý về quyền lợi của lao động nữ trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Liên quan đến giải pháp nhằm hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng, cơ quan bảo hiểm xã hội cần xem xét dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động.

Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: Khảo sát nhanh tại Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bằng lấy mẫu ngẫu nhiên tại 30 doanh nghiệp cho thấy, 7 doanh nghiệp không có hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần; 5 doanh nghiệp có hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần ghi nhận 1-2 trường hợp; 1 doanh nghiệp có hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần ghi nhận 10-15 trường hợp…

Tìm hiểu lý do, được biết, một số công nhân phản ánh, họ nghe thông tin nếu đóng quá 19 năm sẽ không được rút bảo hiểm xã hội một lần. Một số người lao động khác cho rằng: Tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Họ không thể làm việc và đóng bảo hiểm đến tuổi này. Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế, không thể tham gia tiếp tục bảo hiểm xã hội nên nhu cầu hưởng một lần là đương nhiên...

Trước thực tế trên, đại diện Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng, cần xem xét và cân nhắc các tác động tới an sinh xã hội của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Bởi, đối với các công nhân, do rút bảo hiểm xã hội một lần nên người lao động không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội nữa, đồng nghĩa với việc đối mặt với tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và thị trường lao động.

Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đề xuất cần quy định thống nhất về phương án giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sau 12 tháng không đóng bảo hiểm xã hội và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cho cả loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cũng theo Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, phương án 2 là phương án có tính khả thi hơn, mềm dẻo, linh hoạt hơn và hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ xã hội, phù hợp với quan điểm của Đảng theo Nghị quyết số 28/NQ/TƯ đã đề ra.