Giáo dục

Gần 1.500 sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt

Thống Nhất 28/03/2024 10:45

Từ năm 2021 đến nay, đã có gần 1.500 sinh viên các ngành sư phạm của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được nhận hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt.

Trường Đại học Thủ đô là trường đại học công lập của thành phố Hà Nội, được thành lập từ năm 1959, tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực sư phạm, dịch vụ du lịch, môi trường, văn hóa, nhà trường đã chủ động mở rộng các lĩnh vực đào tạo ngoài sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của thành phố.

Trong chiến lược phát triển, nhà trường xác định rõ, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường theo bốn trụ cột chính: Sư phạm, công nghệ và kỹ thuật, văn hóa, du lịch và dịch vụ. Trong đó, đào tạo sư phạm là nhiệm vụ chính.

sv-dh-thu-do.jpg
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chi trả chế độ hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo quy định.

Với mục tiêu đó, nhà trường luôn chăm lo đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho ngành giáo dục Thủ đô, đặc biệt là trong việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về “quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”, các sinh viên theo học ngành sư phạm được miễn hoàn toàn học phí (khoảng 1,2 triệu đồng/tháng) và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí. Chính sách này đã tạo sức hút giúp nhà trường nâng cao chất lượng tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các ngành sư phạm của trường.

Kiều Thu Ngân, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ, dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua, em được nhà trường chuyển khoản 82,4 triệu đồng - số tiền hỗ trợ sinh hoạt phí trong hai năm 2021 và 2022. Đây thực sự là niềm vui bất ngờ đối với cả gia đình em và là niềm tự hào của em khi đã chọn học nghề sư phạm.

Còn Phạm Thanh Thảo, sinh viên năm 2 của nhà trường cho biết, điều kiện kinh tế của gia đình em còn nhiều khó khăn, nhà có ba chị em, em là lớn nhất. Vì vậy, khi quyết định đi học đại học, em đã trăn trở rất nhiều, vì nếu kể cả tiền học phí, mỗi tháng cũng cần từ 4-5 triệu đồng. Khi được biết về Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, em đã đăng ký học ngành sư phạm vật lý của trường. Vừa qua, em cũng đã nhận được hơn 40 triệu đồng tiền hỗ trợ sinh hoạt phí. Số tiền này thực sự rất có nghĩa với em và cả gia đình em. Đây là điểm tựa để em có thể yên tâm học tập thật tốt.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Nhân sự và Kế hoạch tài chính, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ngay sau khi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được ban hành, nhà trường đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Tài chính để trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai. Nhờ có sự chỉ đạo sát của UBND thành phố, nhà trường đã thực hiện hỗ trợ cho sinh viên ngay từ khóa 2021. Tính đến cuối tháng 2-2024, đã có gần 1.500 sinh viên được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 73 tỷ đồng.

Theo ghi nhận thực tế, đến thời điểm này, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là một trong số ít trường thực hiện được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo quy định. Thậm chí, trong kỳ tuyển sinh năm 2023, có trường đại học phải tạm dừng tuyển sinh các ngành sư phạm do địa phương không bố trí được nguồn ngân sách để hỗ trợ sinh viên.

Nhà giáo Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, năm 2021, nhà trường tuyển sinh hơn 700 sinh viên các ngành sư phạm với điểm trúng tuyển trung bình 22,5 điểm. Đặc biệt, nhiều ngành có mức điểm trúng tuyển tăng cao hơn năm trước. Điển hình như ngành sư phạm lịch sử có điểm trúng tuyển năm 2020 là 20,0 điểm thì điểm trúng tuyển của năm 2021 là 30,1 điểm. Năm 2022, nhà trường tuyển sinh được hơn 500 sinh viên với điểm trung bình trúng tuyển là 23,75, trong đó nhiều ngành có điểm trúng tuyển tiếp tục tăng cao, như ngành giáo dục mầm non tăng từ 26,57 điểm vào năm 2021 lên 30,12 điểm. Năm 2023, nhà trường tuyển sinh được gần 800 sinh viên. Để có thể trúng tuyển vào các ngành sư phạm, sinh viên phải có điểm trúng tuyển trung bình là 8,3 điểm/môn (tổng có 3 môn).

Kết quả trên cho thấy Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đã thúc đẩy nhu cầu học tập sư phạm của nhiều học sinh, từ đó giúp các trường sư phạm có nhiều cơ hội để lựa chọn được những sinh viên có năng lực, tâm huyết với nghề dạy học.