Cân nhắc lùi thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi thực hiện cải cách tiền lương (từ 1-7-2024).
Chiều 27-3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tiếp tục thể hiện 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội có 2 phương án.
Phương án 1: Người lao động được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; khác với quy định hiện hành là dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ phương án 1 của Chính phủ đề xuất, song đề nghị Chính phủ dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi Luật có hiệu lực thi hành; đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Dự kiến từ ngày 1-7-2024 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tuy nhiên, dự thảo Luật chưa dự liệu được tác động của việc thay đổi này đến các quy định liên quan, dẫn đến chưa rõ hướng điều chỉnh quy định trong dự thảo Luật, như: Do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh lương hưu và một số khoản trợ cấp theo quy định của Luật hiện hành và không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội cũng như một số chế độ quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác; tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm xã hội cho những đối tượng này; phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1-7-2024.
Trước mắt, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến mức lương cơ sở được quy định theo hướng "mức hưởng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực".
Cần chính sách hỗ trợ sớm cho người lao động
Thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng, nhóm lao động công nghệ như tài xế công nghệ, shipper, bán hàng online cần được đưa vào các trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bởi nhóm lao động này hiện nay có đến vài trăm nghìn người, công việc ổn định, thu nhập thậm chí cao hơn nhóm lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp.
Đại biểu Đoàn Tuyên Quang và đại biểu Nguyễn Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cùng đề nghị cần cân nhắc thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước khi (kỳ họp thứ bảy tháng 5-2024) hay sau khi (kỳ họp thứ tám tháng 10-2024) thực hiện cải cách tiền lương từ 1-7-2024. Các đại biểu cho rằng, cải cách tiền lương là chính sách tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực, nhiều lao động toàn xã hội, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý những vấn đề phát sinh nếu có, phù hợp với thực tiễn.
“Khi chính sách tiền lương đi vào ổn định thì cơ sở quy định các chính sách về bảo hiểm xã hội sẽ bảo đảm phù hợp, khả thi, tránh vừa thông qua luật đã rà soát, sửa đổi ngay”, đại biểu Ma Thị Thúy nói.
Cơ bản ủng hộ phương án 1, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đề nghị khi xem xét các trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần cần có quy trình đánh giá thêm việc phương án này đã đáp ứng được nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa; làm sao để người lao động cần phải cân nhắc giữa lợi ích và thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội một lần; trường hợp bất khả kháng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động.
“Cần có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người lao động từ trước chứ không chờ đến lúc người lao động thất nghiệp, phải rút bảo hiểm xã hội một lần mới hỗ trợ”, đại biểu nói.
Kết luận hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2 ngày làm việc, hội nghị đã cho ý kiến vào 8 dự án luật với nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn trên tinh thần trách nhiệm cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh các dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ bảy.