Việt Nam là “điểm nóng” về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người
Tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27-3 tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng, Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: Cúm A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…
75% các dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: Cúm A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…
Đáng lưu ý, trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.
Cụ thể, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại (tăng 12 ca so với năm 2022). 30/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8. Khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (chiếm 37,8%), tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên (chiếm 24,4%) và miền Trung (chiếm 13,4%). Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%.
Còn trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023). Điều đáng nói là 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Trong đó, miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến với 9 ca.
Đề cập đến nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do bệnh dại gia tăng thời gian qua, ông Hoàng Minh Đức, Cụ trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, 100% số ca tử vong bệnh dại do không tiêm vắc xin, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của người dân (chiếm 43,8%). Ngoài ra, nguyên nhân còn do người dân dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại (chiếm 16,4%); không hiểu biết về bệnh dại (chiếm 11%); không có tiền để tiêm phòng (chiếm 8,2%); còn lại trẻ nhỏ bị động vật cắn đã không nói với gia đình.
“Bệnh dại cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Cụ thể, tiêu tốn khoảng 800 tỷ/năm chỉ riêng cho vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người (chưa bao gồm gánh nặng chi phí điều trị vết thương và chi phí gián tiếp khác)”, ông Hoàng Minh Đức nói.
Cùng với bệnh dại, nước ta cũng đang đối mặt với nguy cơ gia tăng và quay trở lại của bệnh cúm gia cầm trên người. Theo ông Hoàng Minh Đức, dịch cúm A/H5N1 ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là năm 2004-2009 ghi nhận 112 trường hợp, trong đó có 57 ca tử vong.
Sau 8 năm không có ca bệnh thì đến tháng 10-2022 đã ghi nhận trường hợp cúm A/H5 trên người. Đặc biệt, mới đây, vào tháng 3-2024, nước ta đã có ca tử vong do cúm A/H5N1 tại Khánh Hoà. Tích luỹ đến nay, Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong (chiếm khoảng 50%).
Điều đáng nói là nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm cũng đã được phát hiện trong những tháng đầu năm nay. Theo đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong 3 tháng đầu năm 2024 có 6 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 6 tỉnh và buộc phải tiêu huỷ gần 9 nghìn con gia cầm (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023). Ngoài ra, giám sát tại 12 tỉnh, thành phố và đã thu thập, xét nghiệm 63 mẫu hầu họng và mẫu môi trường, trong đó có 25 mẫu dương tính với cúm A (chiếm 39,68%).
Khó quản lý, xử lý vi phạm
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam có quy mô đàn gia súc, gia cầm lớn. Thêm vào đó, thời tiết diễn biến thất thường, nước ta lại có đường biên giới dài, hoạt động giao lưu thương mại và thói quen giết mổ nhỏ lẻ... là những yếu tố khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Riêng đối với bệnh dại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu thực trạng, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt khoảng 30%. Mặt khác, chó, mèo khi ra đường cơ bản không đeo rọ mõm.
“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo. Cụ thể là điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, công tác bắt giữ và xử lý chó thả rông là một nhiệm vụ khó và nhạy cảm do liên quan đến tài sản của người dân. Do đó, quá trình triển khai thực hiện nảy sinh rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm theo quy định, nhiều nơi vẫn chỉ nhắc nhở là chính.
Từ những khó khăn được các đại biểu đưa ra tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, tình hình dịch bệnh đầu năm 2024 đang diễn biến phức tạp, nhất là một số bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh dại, cúm A/H5N1… gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Do nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật, nên để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành Y tế hoặc ngành Thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền.