Nghị quyết và Cuộc sống

Phát triển kinh tế đô thị tại Hà Nội: Cần khai thác tối đa lợi thế

Bảo Hân 27/03/2024 - 07:16

Việc phát triển kinh tế đô thị tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với Thủ đô mà còn với cả sự phát triển chung của cả nước.

Cụ thể hóa những chỉ tiêu đặt ra tại các nghị quyết của Trung ương và Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, các cấp, ngành của thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải bài toán khai thác tối đa lợi thế để phát triển kinh tế đô thị...

Chuyển dịch theo hướng tích cực

Phát triển kinh tế khu vực đô thị là một trong những định hướng quan trọng. Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TƯ (ngày 24-1-2022) về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiều nội dung định hướng về phát triển kinh tế, đô thị Thủ đô nhanh và bền vững.

Là nội dung được bổ sung so với nhiệm kỳ trước để phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm khai thác tối đa lợi thế để phát triển kinh tế đô thị. Năm 2023, kết quả thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng. Thành phố hoàn thành xây dựng 3 trung tâm thương mại, mở rộng 4 không gian, tuyến phố đi bộ, triển khai các thủ tục đầu tư tháp trung tâm tài chính nằm trong khu đô thị thông minh phía Bắc sông Hồng; tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũng như phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị phục vụ cho phát triển kinh tế.

Đáng lưu ý, ngày 13-6-2023, UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội; đồng thời giao Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố. UBND quận Hoàn Kiếm cũng đang khẩn trương hoàn thành Đề án thí điểm mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn quận…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhận định, kinh tế khu vực đô thị ở Hà Nội phát triển nhanh, đóng vai trò động lực đối với phát triển kinh tế của toàn thành phố. Cụ thể, tỷ lệ trên Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của kinh tế khu vực đô thị chiếm từ 71,4% năm 2011 tăng lên 75% năm 2015 và khoảng 80% năm 2020. Sự phát triển của các ngành kinh tế trong khu vực đô thị là những nét đặc thù của Thủ đô so với các địa phương khác.

Khu vực đô thị bao gồm 12 quận nội thành và thị xã Sơn Tây, dù chỉ chiếm hơn 10% diện tích thành phố nhưng đã đóng góp gần 78,8% thu ngân sách giai đoạn 2016-2020. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm tại các quận nội thành thường đạt cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của thành phố. Đặc biệt tại một số quận như: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng... tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt cao hơn 10%/năm.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cơ cấu kinh tế khu vực đô thị đang chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ. Một số ngành trọng điểm trong kinh tế đô thị cùng các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… được chú trọng phát triển. Ngoài ra, cùng với việc mở rộng không gian đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội được thành phố chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại và mở rộng về quy mô. Tổng số vốn sản xuất, kinh doanh bình quân của các doanh nghiệp khu vực đô thị chiếm 90,16% tổng vốn bình quân của các doanh nghiệp trên địa bàn, đóng góp đáng kể cho ngân sách thành phố.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Đề án phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đang theo dõi kết quả thực hiện nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành kinh tế đô thị; công tác quy hoạch, phát triển, cải tạo chỉnh trang hạ tầng đô thị để phục vụ phát triển kinh tế cũng như quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đô thị cùng danh mục những dự án, chương trình ưu tiên…

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song có thể nhận thấy, tăng trưởng kinh tế đô thị ở Hà Nội chưa thực sự bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đều qua các năm. Theo Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Lan (Khoa Môi trường, biến đổi khí hậu và đô thị, Trường Đại học Kinh tế quốc dân), tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ ở nhiều quận, huyện còn thấp hơn ngành công nghiệp - xây dựng. Các ngành dịch vụ, công nghiệp có giá trị gia tăng cao đóng góp vào tăng trưởng còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị còn chậm. Các nguồn lực như đất đai, tài chính, lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội... trong khu vực đô thị chưa được huy động và khai thác đồng bộ, có hiệu quả cho phát triển kinh tế đô thị. Ngoài ra, các mô hình kinh tế đặc trưng của đô thị như kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ... phát triển mang tính tự phát, nhiều bất cập, hạn chế. Việc khai thác còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao.

Trên cơ sở nhận diện bất cập, tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU xác định tiếp tục khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị. Các giải pháp cụ thể là: Tăng cường quản lý, khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế đô thị; quản lý, kiểm soát giá đất và nhà ở, bảo đảm phát triển thị trường bất động sản ổn định, bền vững; phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại; xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng và chủ lực của Thủ đô...

Triển khai Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông - Nam, Đề án phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội cũng xác định giải pháp nghiên cứu phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế trong kinh tế đô thị, phản ánh nét đặc trưng của kinh tế đô thị, bao gồm: Thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, bưu chính - viễn thông, tư vấn pháp lý, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ... và các lĩnh vực dịch vụ đô thị như giao thông vận tải, cấp - thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, công nghiệp công nghệ cao.

“Mặc dù chưa được đề cập tại Chương trình số 03-CTr/TU, song một số vấn đề về phát triển nông nghiệp đô thị được bổ sung trong đề án, xuất phát từ đặc điểm đô thị hóa của thành phố Hà Nội, nhu cầu và xu hướng phát triển nông nghiệp ở các đô thị trong tương lai”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết.

Đồng tình với những giải pháp trên, Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Lan kiến nghị, thành phố chú trọng thực hiện đồng bộ việc phát triển đô thị văn minh, hiện đại nhằm tạo sự thay đổi vượt bậc. Trong đó, đầu tiên là rà soát lại quy hoạch xây dựng, tổ chức không gian phát triển kinh tế khu vực đô thị và quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại.

Nhận định lực cản phát triển kinh tế Thủ đô những năm qua nằm ở các nút thắt phát triển đô thị, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng, cần có phương án quy hoạch phù hợp với các khu vực bảo tồn, khu vực cải tạo chỉnh trang và phát triển các khu đô thị mới để hút nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, mạng lưới giao thông đường sắt đô thị, giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng thành trung tâm dịch vụ, du lịch của thành phố Hà Nội là giải pháp cốt lõi để phát triển kinh tế đô thị.