Đông Anh - điểm sáng về phát triển văn hóa, thể thao
Đông Anh là một trong số ít địa phương của Hà Nội xây dựng đề án riêng cho phát triển văn hóa, thể thao. Nhờ triển khai hiệu quả, lĩnh vực này ở Đông Anh khởi sắc, trở thành điểm sáng của Thủ đô.
Hình thành hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao
Cổ Loa là một trong những xã điển hình về hiệu quả đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kim Nhật cho hay, ngay khi được xây dựng nhà văn hóa, xã đã lắp đặt trang thiết bị đồng bộ, bảo đảm đạt chuẩn theo tiêu chí. Chẳng hạn, tại nhà văn hóa các thôn, hệ thống dụng cụ tập luyện được đông đảo người dân sử dụng thường nhật để rèn luyện, nâng cao sức khỏe.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, năm 2020, huyện xây dựng và sau đó tiếp tục điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện Đông Anh, giai đoạn 2020-2025" sát thực nhu cầu phát triển của địa phương. “Để triển khai đề án hiệu quả, ngoài giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong phát triển văn hóa, thể thao và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Tám chia sẻ.
Đến nay, hạ tầng văn hóa, thể thao của huyện đã rõ hình hài. Cụ thể, toàn huyện hiện có 153/155 nhà văn hóa thôn, 30/30 nhà văn hóa tổ dân phố đạt chuẩn. Còn lại 2 nhà văn hóa thôn đang tập trung đầu tư xây dựng. Trong đó, Nhà văn hóa thôn Dục Tú 2, xã Dục Tú, đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt xong báo cáo kinh tế kỹ thuật, đang đề xuất trình HĐND huyện phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn để triển khai trong năm 2023. Nhà văn hóa thôn Cầu Thăng Long, xã Kim Nỗ, khởi công tháng 10-2023, dự kiến quý II-2024 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Toàn huyện có 69 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí hơn 374,501 tỷ đồng. Huyện cũng đã rà soát, triển khai lập 43 dự án chuẩn bị đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, tổng mức đầu tư dự kiến 248,794 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thực hiện Đề án phát triển văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025, đến nay, Đông Anh đã có 9/24 trung tâm văn hóa – thể thao, nhà văn hóa, nhà thi đấu cấp xã với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đầu tư xây mới, cải tạo,nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật một số trung tâm văn hóa, thể thao các xã.
Từ thực hiện đề án, Đông Anh đang là địa phương dẫn đầu thành phố về đầu tư xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, sân tập luyện thể thao, khu trồng cây xanh kết hợp điểm sinh hoạt cộng đồng. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, hiện toàn huyện có 141/155 thôn (đạt 91%), 40/40 tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng với 249 điểm; 62/155 thôn, làng, 4/40 tổ dân phố có 75 công viên mini… “Đi đôi đầu tư hạ tầng, huyện triển khai 120 dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh tại các khu thể dục - thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng, công viên mini, sân thể thao tại các thôn, tổ dân phố...”, ông Nguyễn Anh Dũng thông tin.
Gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị di sản
Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, Đông Anh còn phát triển văn hóa theo chiều sâu khi gìn giữ, bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị di sản đặc sắc của địa phương. Cùng với việc biên soạn, xuất bản cuốn sách “Di sản văn hóa Đông Anh, thành phố Hà Nội”, huyện thực hiện hỗ trợ các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, ca trù, múa rối nước... Các buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Khu di tích Cổ Loa, Phường múa rối nước Đào Thục, nhà thờ Ca Công... đều đông nghịt.
Ở góc độ khác, Bí thư Chi bộ thôn Thiết Bình (xã Vân Hà) Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ, nhà văn hóa, khu thể thao tại các thôn, tổ được lắp wifi, "sáng đèn" thường xuyên với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao sôi nổi, đa dạng. Các địa phương duy trì tổ hỗ trợ tư pháp; nhà văn hóa đã có tủ sách phục vụ nhu cầu tìm hiểu của nhân dân...
Di sản, cả phi vật thể và hữu hình đều được chú trọng gìn giữ. Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Dũng, Đông Anh có 319 di tích, trong đó có 142 di tích xếp hạng (7 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 63 di tích xếp hạng quốc gia, 72 di tích xếp hạng cấp thành phố). Qua đánh giá, rà soát, toàn huyện có 112 di tích xuống cấp (trong đó 85 di tích đã xếp hạng). Tính đến nay, huyện đã có 24 di tích xuống cấp được lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo. Ngoài ra, 38 di tích xuống cấp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang thực hiện các bước chuẩn bị triển khai.
“Thời gian tới, huyện sẽ cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của đề án, đưa vào kế hoạch cụ thể hằng năm để triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu. Trong đó, huyện tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích xuống cấp; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển các câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao truyền thống; đầu tư nguồn lực xây dựng các điểm đến du lịch, kết nối hoạt động lữ hành, du lịch, tuần lễ văn hóa; tạo không gian biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống, thi đấu giải thể thao truyền thống...”, ông Nguyễn Anh Dũng kỳ vọng.