Hà Nội phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực
Thành phố Hà Nội sẽ nỗ lực, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hiện thực hóa các mục tiêu của Bộ Chính trị đưa “Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.
Đây là khẳng định của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại quốc Quốc hội thành phố tại hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra sáng 25-3, tại Hà Nội.
Gắn bó mật thiết, hiệu quả với các địa phương
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin tưởng, lựa chọn đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.
Với vai trò là Thủ đô của cả nước, thành phố Hà Nội luôn nhận thức và xác định phải gắn bó mật thiết, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ một cách thiết thực, hiệu quả với các địa phương trong cả nước về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, hoạt động của HĐND, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ quan trọng khác. Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020-2025 của các tỉnh, thành phố. Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức do chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, các địa phương chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đóng góp quan trọng trong kết quả chung của cả nước.
Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội luôn bám sát, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiếp tục tập trung triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ có tính chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, quyết liệt, tổ chức triển khai thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Kết thúc năm 2023, thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Thứ nhất, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh.
Công tác cán bộ luôn được xác định là then chốt của then chốt. Thành ủy đã ban hành, chỉ đạo, quán triệt triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24 ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, qua đó đã thể hiện quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên. Có thể khẳng định, Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy là một “công cụ” hiệu quả để các tập thể và cá nhân “tự soi”, “tự sửa”, đồng thời cũng là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để xem xét và xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân khi có những biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.
Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt việc kiện toàn, củng cố các tổ chức Đảng yếu kém, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ... Cùng với đó, thành phố tập trung tổ chức tốt công tác sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và đại hội đảng bộ các cấp gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Các mặt công tác xây dựng Đảng đều đạt kết quả toàn diện, với nhiều điểm nổi bật. Kết quả công tác của các cơ quan thuộc thành phố đã được các cơ quan Trung ương đánh giá cao tại các hội nghị tổng kết công tác năm vừa qua và được ghi nhận, biểu dương, khen tặng bằng những bằng khen và phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước; có một số mô hình, cách làm hay được các cơ quan Trung ương lựa chọn để áp dụng rộng rãi trong phạm vi toàn quốc, toàn ngành.
Thực hiện có hiệu quả sắp xếp lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế. Tổ chức triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc và phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại 26 sở, ngành, đơn vị. Quyết liệt triển khai đổi mới phương thức quản lý, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động sự nghiệp; đồng thời tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi dịch vụ sự nghiệp công lập; đặc biệt, đã triển khai xây dựng giá tạm thời và thực hiện thí điểm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố…
Thứ hai, kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. GRDP của thành phố năm 2023 đạt 6,27%, cao hơn bình quân chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng/năm (cả nước là 101,9 triệu đồng/người/năm); Ccơ cấu GRDP chuyển biến tích cực, đúng hướng (năm 2023, khu vực dịch vụ chiếm 64,06%; cao hơn tỷ lệ năm 2022 là 63,22%); thu hút vốn FDI đạt 2,91 tỷ USD, tăng 64%; khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế), vượt mục tiêu đề ra (22 triệu lượt khách); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5% - đạt mục tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với thực hiện năm 2022, trong đó, thu nội địa đạt 381,38 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,9%, cao nhất cả nước.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đẩy mạnh, đầu tư, trở thành nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16-11-2023, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, ngày 19-2 vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… qua đó, từng bước thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người Thủ đô trong thời kỳ mới.
An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú ý; chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tích cực, thành phố hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới (đến nay, thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 382/382 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).
Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tiếp tục được tập trung thực hiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng trên cả ba kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho gần 2.000 sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra trên địa bàn Thủ đô; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) tăng 7 bậc, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tiếp tục giữ hạng.
Thứ ba, thành phố đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô.
Thành phố phối hợp Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 6-2024).
Chỉ đạo quyết liệt triển khai khép kín các đường vành đai, các cầu lớn qua sông Hồng, các trục hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các đường quốc lộ, các dự án liên kết vùng, các dự án trọng điểm của thành phố... Đặc biệt, ngày 25-6-2023, sau 1 năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương, đã tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa; Nghị quyết về chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch đầu tư vào 3 mục tiêu: cải tạo, nâng cấp trường học, y tế và tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; triển khai đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công; đề án cải tạo lại chung cư cũ; đề án phân cấp, ủy quyền (đã phân cấp/ủy quyền 708/1.895 thủ tục hành chính, đạt 37,3%); triển khai các biện pháp xử lý đối với các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai...
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như dự án xử lý nước thải, chất thải, xử lý môi trường, dự án nước sạch, chống úng ngập, đường sắt đô thị...; các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Khẳng định được vị thế xứng đáng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
Đánh giá về công tác HĐND thành phố Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhận định, trong sự phát triển toàn diện của Thủ đô, HĐND thành phố đã khẳng định được vị thế xứng đáng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; khẳng định được vai trò trong hệ thống chính trị với những quyết sách quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri, nhân dân, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương…
HĐND thành phố đã chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô; 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; các nhiệm vụ chung của thành phố...
Đảng đoàn HĐND thành phố đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15 ngày 12-5-2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Qua gần 2 năm thực hiện, các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án đã được HĐND các cấp thành phố thực hiện nghiêm túc, thiết thực, với nhiều cách làm đổi mới, khoa học, hiệu quả và bước đầu đã có những tác động và chuyển biến rất rõ nét.
Bộ máy tổ chức, các hoạt động quan trọng của HĐND thành phố đều đã được chuẩn hóa theo các quy chế, quy trình, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, nâng cao chất lượng. Hoạt động giám sát lan tỏa sự đổi mới, thực chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo đúng Nghị quyết số 594 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung giám sát được lựa chọn kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri quan tâm như: Dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị… Tái giám sát được chú trọng, các giải pháp, cam kết, lộ trình được cụ thể và công khai; quyết tâm đi đến tận cùng vấn đề, giải quyết triệt để các nội dung giám sát. Thông qua hoạt động giám sát của HĐND thành phố đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố.
“Một trong những yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong kế hoạch là tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố. Đây cũng là cơ hội tốt để thành phố Hà Nội lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước; đổi mới, vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn, để hoạt động của HĐND thành phố tiếp tục hoạt động thực chất, hiệu lực, hiệu quả như ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, tiếp tục là tiêu biểu cho “làn gió tươi mới”; là “điểm sáng”, “hình mẫu” trong hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố” - đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn ý thức sâu sắc rằng, trong những thành tựu đã đạt được, bên cạnh sự quyết tâm, cố gắng nỗ lực, thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự chia sẻ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hà Nội luôn nỗ lực để là điểm sáng thể hiện vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Hà Nội đã tăng cường hợp tác và kết nối, ký kết các văn bản hợp tác toàn diện với 44/62 tỉnh, thành phố; xây dựng các chương trình hợp tác, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, giao thương kết nối cung, cầu với hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung phát triển hạ tầng giao thông để tạo sự kết nối giữa Hà Nội với các địa phương khác, như các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ Thủ đô, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài… và đặc biệt phối hợp tốt với các ban, bộ, ngành và các địa phương Vùng Thủ đô trong việc đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc tăng cường liên kết vùng, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc đô thị, phát triển hành lang kinh tế, từ đó giúp các địa phương có thể thu hút đầu tư nhờ sự thuận tiện trong giao thông.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, cá nhân đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư về sự quan tâm và tình cảm, trách nhiệm đã dành cho Hà Nội. Cảm ơn các đồng chí lãnh đạo 62 tỉnh, thành bạn đã luôn đồng hành, chia sẻ, ủng hộ thành phố Hà Nội trong suốt hành trình xây dựng và phát triển.
Năm 2024 được xác định là giai đoạn “tăng tốc”, tạo tiền đề tích cực để bước vào năm 2025 - năm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường có thể còn nhiều hơn năm 2023, Thủ đô Hà Nội rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, động viên, sẻ chia của các đồng chí trong thời gian tới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô có thêm quyết tâm, thêm thuận lợi để thực hiện thắng lợi Nghị quyết XVII của Đảng bộ thành phố, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hiện thực hóa các mục tiêu của Bộ Chính trị đưa “Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.