Giá cà phê tăng cao, dòng tiền chuyển mạnh sang năng lượng
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) hôm nay (25-3) thông tin, trong tuần giao dịch vừa qua (18 đến 24-3), thị trường hàng hóa biến động mạnh. Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt diễn biến giá của các mặt hàng.
Chốt tuần, sắc xanh bao trùm 3/4 nhóm mặt hàng hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng thêm 0,14%, lên 2.213 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình tuần ở mức 6.700 tỷ đồng mỗi ngày.
Theo MXV, khép lại tuần giao dịch 18 đến 24-3, thị trường nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa.
Đáng chú ý trong đó, giá cà phê Robusta tăng 1,51%, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp và chạm mức giá cao nhất trong 30 năm. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung là chất xúc tác chính thúc đẩy lực tăng giá cà phê Robusta trong tuần qua.
Khô nóng kéo dài tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam đang khiến thị trường có cái nhìn tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ 2024-2025. Hơn thế, tồn kho gần như cạn kiệt khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn.
Công ty Marex Group dự báo thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 là 2,7 triệu bao, chủ yếu đến từ sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam.
Theo sau đó, giá cà phê Arabica tăng 1,04% so với tham chiếu. Giá ca cao tiếp tục tăng mạnh 11,5%, tạo đỉnh mới trong lịch sử.
Chốt tuần, chỉ số MXV năng lượng tăng không đáng kể 0,02%. Trong đó, giá dầu ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, mức tăng không quá mạnh khi yếu tố vĩ mô cản trở một phần đà tăng giá dầu. Giá dầu WTI tăng 0,06%, lên 80,63 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,11%, lên 85,43 USD/thùng.
Tuần qua, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các cơ sở lọc dầu của Nga đã đẩy tỷ lệ lọc dầu của quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới xuống mức thấp nhất trong 10 tháng.
Cụ thể, các nhà máy lọc dầu Nga đã xử lý 5,03 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ 14-3 đến 20-3, theo Bloomberg. Con số này giảm hơn 400.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong 13 ngày đầu tháng.
Nguồn cung ảnh hưởng còn do Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống còn 3,3 triệu thùng/ngày những tháng tới.
Đặc biệt, đồng USD mạnh khiến mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài. Lực bán rõ rệt hơn vào các phiên cuối tuần, hạn chế mức tăng tích lũy của giá dầu trong các phiên đầu tuần trước.