Nhân sự

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp Thủ đô

Tiến sĩ Hoàng Thị Phương 25/03/2024 - 07:07

Xác định mọi việc thành công hay thất bại đều do công tác cán bộ, trong các nhiệm kỳ gần đây, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện toàn diện và đồng bộ các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trong đó, đề ra nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “có tâm, có tầm”, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới hiện nay.

hoang-mai.jpg
Lễ khai giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung của quận Hoàng Mai.

Công tác cán bộ - khâu quan trọng quyết định

Đảng bộ thành phố Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 tổ chức Đảng trực thuộc, chiếm gần 10% số đảng viên toàn quốc. Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô và cả nước. Để thực hiện mục tiêu đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Trong đó, Thành ủy Hà Nội đã chủ động ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết nhấn mạnh việc phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đây là cơ sở quan trọng để cấp ủy các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiến hành rà soát đối tượng, chủ động xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa và nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ.

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác cán bộ, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đào tạo, bồi dưỡng là giải pháp trung tâm. Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và các trung tâm chính trị cấp huyện theo Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Thành phố đã chú trọng đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; tăng cường phối hợp cùng các cơ sở đào tạo có uy tín, năng lực trong và ngoài nước. Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ các cấp của Thủ đô thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật.

Giai đoạn 2015-2020, ngoài việc tổ chức tốt các lớp nguồn quy hoạch, các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới của hệ thống chính trị, thành phố đã cử 700 cán bộ dự tuyển các lớp cao cấp lý luận chính trị; mở 53 lớp trung cấp lý luận chính trị; đặc biệt tổ chức 8 lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học cho cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Đến nay, trên 90% cán bộ, công chức đã qua bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phù hợp vị trí việc làm. Cơ bản đội ngũ cán bộ có mặt bằng chung về trình độ tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc; trình độ lý luận chính trị được nâng lên.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thành phố xác định trọng tâm là đào tạo nâng cao trình độ, năng lực, hiểu biết cho đội ngũ cán bộ các cấp thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng công tác, kỹ năng xử lý tình huống và thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới. Khâu đánh giá có nhiều đổi mới theo hướng kết hợp giữa đánh giá kết quả học tập với kết quả rèn luyện với những tiêu chí cụ thể.

Theo đó, công tác đào tạo lý luận chính trị tiếp tục được quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2023, thành phố quyết định cử 239 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, tổ chức 23 lớp trung cấp lý luận chính trị với 1.583 học viên. Đặc biệt, trong năm 2023, Thành ủy đã tổ chức thành công 5 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho 558 phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025, 3 lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn chức danh bí thư, phó bí thư, ủy viên Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2025-2030 cho 658 đồng chí.

Công tác bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ được triển khai hiệu quả. Khối Đảng - Đoàn thể đã tổ chức 1.324 lớp với 230.180 lượt học viên; khối chính quyền tổ chức 5.638 lớp với 350.784 lượt học viên... Hướng tới mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập, thành phố đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030 cho 40 đồng chí tại Trung Quốc; đồng thời tổ chức 12 lớp với 240 học viên đi bồi dưỡng tại nước ngoài. Sau các khóa học ở nước ngoài, đội ngũ cán bộ được cử đi học đã vận dụng tốt những kiến thức vào thực tiễn công tác.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, nhất là của Thành ủy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố Hà Nội trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có sự đổi mới cả về tư duy, cách làm, được đầu tư thỏa đáng. Chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng không ngừng được nâng lên đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô. Với những kết quả trên, Hà Nội đã được các tỉnh, thành phố trong cả nước đánh giá cao. Hà Nội đã đón nhiều đoàn cán bộ đến làm việc, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay còn có một số khó khăn, bất cập. Nội dung, chương trình chậm được đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu mang tính đặc thù của Đảng bộ Thủ đô. Nội dung và phương pháp giảng dạy tuy có nhiều đổi mới song vẫn nặng về lý luận, nhẹ về thực tiễn, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn nhiều khó khăn. Một số cán bộ chưa thực sự chủ động, tích cực, chưa xuất phát từ mục đích tự thân khi tham gia các lớp học.

Trong thời gian tới, để tiếp tục hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng bộ thành phố Hà Nội cần thực hiện một số giải pháp sau: Một là, nâng cao nhận thức vai trò quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp. Hai là, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành trường chính trị chuẩn tiêu biểu. Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục và theo hướng bám sát tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô. Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan của trung ương, địa phương và các cấp; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Năm là, hoàn thiện hệ thống chính sách, có cơ chế khuyến khích giảng viên tại các cơ sở đào tạo cán bộ trong thành phố nâng cao trình độ mọi mặt; đồng thời có cơ chế động viên, khuyến khích, gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ. Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Tiến sĩ Hoàng Thị Phương
Giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong