Sử dụng thẻ tín dụng thế nào để không “vỡ nợ”?
Gần đây, dư luận xôn xao về việc một người sử dụng thẻ tín dụng sau 11 năm bỏ quên khoản nợ 8,5 triệu đồng đã trở thành “con nợ” 8,8 tỷ đồng. Sau sự việc, nhiều chủ thẻ đã bày tỏ e ngại khi dùng phương thức thanh toán này.
Thực tế, không thể phủ nhận sự tiện lợi, nhiều ưu đãi của thẻ tín dụng, song cần quản lý như thế nào để không mắc nợ lớn với ngân hàng?
Tính lãi kép, lãi chồng lãi
Về vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm bị tính lãi tăng gấp 1.000 lần, thành 8,8 tỷ đồng xôn xao trong dư luận gần đây, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Võ Minh Tuấn cho rằng, con số này khi nghe qua, bất kỳ ai cũng đều thấy không hợp lý. Nguyên nhân của việc này là cách tính lãi kép. Cụ thể, trong tất cả các giao dịch ngân hàng, riêng với giao dịch thẻ tín dụng, nhiều đơn vị tính lãi kép, tức là lãi chồng lãi.
Theo ông Võ Minh Tuấn, hiện Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thỏa thuận lãi suất với khách hàng, không dùng biện pháp hành chính để điều hành lãi suất cho vay, trừ các lĩnh vực ưu tiên. Theo quy định tính lãi với các sản phẩm cho vay thông thường (không bao gồm cho vay qua thẻ tín dụng quốc tế), lãi được tính dựa trên số gốc; nếu có lãi chậm trả thì tính thêm, nhưng không quá 10% trên số tiền lãi chậm trả. Tuy nhiên quy định này không áp dụng bắt buộc với vay bằng hình thức mở thẻ tín dụng.
Về cách thức tính lãi suất thẻ tín dụng, chẳng hạn như khách hàng sử dụng thẻ chi tiêu cho khoản 5 triệu đồng, tùy ngân hàng, khách hàng sẽ không trả lãi trong 30, 40 hay 55 ngày đầu. Thế nhưng, ngày tính miễn lãi không phải là sau khi khách hàng sử dụng thẻ để chi tiêu như nhiều người vẫn lầm tưởng, mà nó phụ thuộc vào ngày khách hàng kích hoạt thẻ tín dụng.
Ví dụ, khách hàng sử dụng vào ngày đầu tiên của chu kỳ trong khoảng 30 đến 55 ngày vẫn được miễn lãi suất. Tuy nhiên, sau thời gian đó, khoản lãi suất sẽ được áp dụng cho khoản nợ, dao động trong khoảng 20-40%/năm. Vấn đề ở chỗ, ngay cả khi khách hàng trả được một phần của khoản chi tiêu, tại nhiều ngân hàng áp dụng chính sách lãi suất những tháng sau vẫn được tính trên tổng khoản nợ thẻ chi tiêu ban đầu. Đây gọi là phương pháp tính lãi chồng lãi.
Về phía ngân hàng thương mại, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay, ngân hàng đưa ra chính sách lãi phí của sản phẩm dựa trên tham khảo các sản phẩm tương đồng trên thị trường. Trường hợp khách hàng nợ thẻ tín dụng 11 năm, với quy trình xử lý nợ quá hạn, cán bộ xử lý thẻ căn cứ tình hình nợ của khách hàng để đề xuất mức thu lãi phí phù hợp và lãnh đạo ngân hàng phải phê duyệt mức lãi phí này trước khi thông báo cho khách hàng. Nhưng, trong trường hợp khoản nợ lên đến 8,8 tỷ đồng là do cán bộ làm việc có phần máy móc.
Không nên sở hữu quá nhiều thẻ tín dụng
Liên quan tới vấn đề trên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Võ Minh Tuấn khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng rà soát lại chủ thẻ, tìm hiểu những chủ thẻ lâu không dùng thẻ nhằm tìm được sự thống nhất giữa ngân hàng và khách hàng. Trong cung cấp sản phẩm, các tổ chức tín dụng cần tư vấn đầy đủ những nội dung dịch vụ để khách hàng hiểu. Khi cung cấp sản phẩm dịch vụ phải công khai biểu phí, lãi suất cho vay và phải công bố định kỳ.
Đại diện một ngân hàng thương mại ở Hà Nội khuyến cáo người dùng thẻ nên theo dõi sao kê hằng tháng do ngân hàng gửi hoặc kiểm tra những kênh khác như app ngân hàng, website ngân hàng để quản lý các khoản chi tiêu, thanh toán, cũng như khoản vay. Nếu khách hàng bỏ thẻ quá lâu không sử dụng, hoặc không đăng ký biến động số dư qua tài khoản, không sử dụng app, không sử dụng email, rất dễ dẫn đến việc "bỏ quên", không theo dõi được những thông tin, biến động. Trường hợp này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho khách hàng.
Theo các chuyên gia tài chính, thực tế, thẻ tín dụng vẫn là hình thức thanh toán phổ biến bởi tính tiện lợi, dễ sử dụng và các dịch vụ ưu đãi. Song, người dùng nên lưu ý thanh toán nợ thẻ tín dụng đúng hạn. Nếu quá hạn thanh toán chỉ 1 ngày, người dùng vẫn sẽ bị tính phạt.
Khi bị vướng vào nợ thẻ tín dụng, thông tin khoản nợ của khách hàng sẽ bị chuyển thành nợ xấu trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), bị cấm tham gia bất kỳ khoản vay nào khác tại ngân hàng. Bên cạnh đó, dù đã thanh toán dư nợ xong nhưng lịch sử đã vướng nợ xấu thì khách hàng sẽ mất 2-5 năm để xây dựng lại điểm tín dụng, sau đó mới có thể vay vốn ngân hàng.
Nhiều khách hàng được đại diện ngân hàng khuyến cáo, cách tốt nhất để không quên thanh toán dư nợ thẻ tín dụng là đăng ký nhận thông báo từ ngân hàng. Trong trường hợp khách hàng không trả nợ trong 3 kỳ sao kê liên tiếp, ngân hàng sẽ gửi thông báo nhắc nhở thường xuyên thông qua tin nhắn SMS, email hoặc gọi điện thoại. Một lưu ý quan trọng nữa là không nên mở quá nhiều thẻ tín dụng. Bởi việc này khiến hằng tháng phải cân đối tài chính cá nhân để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn cho từng thẻ tín dụng khách hàng sở hữu.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu:
Cần hệ thống chấm điểm tín dụng
Thẻ tín dụng chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam dù tiềm năng phát triển còn lớn. Số thẻ tín dụng được phát hành trong nước khoảng 10 triệu, nhưng tỷ lệ dân số có thẻ mới khoảng 6-7%, do nhiều người sở hữu nhiều hơn 1 thẻ. Hơn 90% dân số chưa có thẻ tín dụng, song việc nhân rộng loại thẻ này không dễ. Hạn mức thẻ bằng 5-6 lần thu nhập, điều kiện là thu nhập ổn định, nhưng thu nhập của người Việt chưa ở mức cao.
Để phát triển thị trường thẻ tín dụng, Việt Nam cần có hệ thống chấm điểm, xếp hạng tín dụng cho những người từng vay nợ, có giao dịch tài chính. Ngân hàng Nhà nước đã có hệ thống CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, với chức năng chính là thu thập, lưu trữ, phân tích và dự báo thông tin tín dụng của các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam) nhưng chỉ một số khách hàng trong số 100 triệu dân có lịch sử tín dụng với CIC được chấm điểm tín dụng. Rủi ro cho ngân hàng phát hành thẻ tín dụng không nhỏ, khi có những nhóm công khai trên mạng xã hội bày cách xù nợ, chạy nợ...
Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức:
Lãi suất cho vay tiêu dùng có thể lên bất kỳ con số nào
Theo Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Khi cộng thêm lãi suất quá hạn cũng không được quá 30%/năm. Thế nhưng, “trần” 20% không áp dụng đối với ngành Ngân hàng. Lãi suất cho vay tiêu dùng có thể lên tới bất kỳ con số nào, chưa kể lãi suất quá hạn, thay vì chỉ được cộng thêm tối đa 10% như quy định chung thì lại bằng 150% lãi suất trong hạn.
Với vụ việc nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng, có thể do ngân hàng áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, nhập lãi vào gốc hay thường gọi là "lãi mẹ đẻ lãi con", tính theo từng tháng. Việc khách hàng phải chịu lãi suất, lãi phạt, và các loại phí như thế nào sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng cho vay hay sử dụng thẻ. Tuy nhiên, nhiều khi khách hàng không đọc, hoặc đọc cũng không hiểu, do khó hiểu... Khi vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng, khách hàng cần lưu ý, lãi suất đối với hình thức vay này bao giờ cũng cao hơn, đặc biệt là lãi suất quá hạn bởi ngân hàng phải dự phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Chị Đoàn Minh Phượng, quận Đống Đa, Hà Nội:
Trở thành khách hàng có hiểu biết
Tôi đã từng phải “gánh” một khoản nợ bất thình lình từ ngân hàng do thiếu hiểu biết khi sử dụng thẻ tín dụng. Cách đây khoảng 1 năm, tôi có sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu ở nước ngoài, mức chi tiêu cũng cả trăm triệu đồng, đến khi thanh toán nhưng lại không để ý kỹ nên thanh toán theo số tròn, để lại khoản nợ khoảng 100 nghìn đồng. Kết quả là tháng tiếp theo sau đó, tôi lại thấy ngân hàng thông báo khoản nợ hơn 3 triệu đồng, tôi thắc mắc thì được nhân viên ngân hàng trả lời, do lãi suất được tính theo khoản chi tiêu từ đầu, không phải lãi suất theo mức nợ thực tế tại thời điểm hiện tại. Sau lần đó, tôi hạn chế chi tiêu thẻ. Nếu có tiêu cũng để ý để trả đúng khoản tiền mình chi tiêu, kể cả con số tiền nhỏ nhất để tránh phải trả “lãi siêu cao”.
Qua bài học trên, tôi cho rằng khách hàng dùng thẻ phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, quy định về tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan. Bên cạnh hợp đồng sử dụng thẻ, khách hàng tìm hiểu kỹ biểu phí, cách tính lãi cho thẻ...
Thanh Nga ghi