Kinh tế

Phát huy hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo

Phương Nhi 25/03/2024 - 06:23

Với lợi thế nắng, gió nhiều, các nhà máy khai thác nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đã phát triển mạnh mẽ tại 9 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Việc phối hợp, đưa công suất phát điện tối đa của nguồn năng lượng sạch này lên lưới điện quốc gia cũng đã, đang được các đơn vị truyền tải điện, trung tâm điều độ hệ thống điện thực hiện.

truyen-tai-dien.jpg
Cán bộ Công ty Truyền tải điện 3 sử dụng thiết bị bay kiểm tra lưới điện nhằm duy trì hệ thống truyền tải được an toàn, thông suốt.

Phối hợp giải tỏa công suất phát điện

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy điện gió (tổng công suất 107,4MW) và 5 nhà máy điện mặt trời (tổng công suất 423,6MW), chưa kể hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới. Các dự án nguồn năng lượng tái tạo đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và mở ra triển vọng về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Là đơn vị được giao quản lý vận hành lưới điện 220kV-500kV trên địa bàn 9 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nơi tập trung các nguồn điện lớn khai thác từ năng lượng tái tạo, Phó Giám đốc Công
ty Truyền tải điện 3 (PTC3) thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) Đinh Văn Cường cho biết, tính đến hết năm 2023, tổng công suất điện năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 là 5.861MW. Tính cả phần nguồn năng lượng tái tạo phía lưới phân phối, tổng công suất đấu nối của 9 đơn vị điện lực khu vực Trung Nam Bộ và Tây Nguyên lên tới khoảng 10.000MW, chiếm tỷ lệ 50% nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực.

“Đây là áp lực lớn đối với PTC3 bởi một số đường dây 220kV, máy biến áp 220kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai luôn vận hành trong chế độ đầy tải, trong khi yêu cầu phối hợp giải tỏa công suất các nguồn điện rất lớn”, ông Đinh Văn Cường nói.

Thực tế, trước yêu cầu giải tỏa công suất điện năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp vận hành nhà máy điện đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị truyền tải và đơn vị điều độ hệ thống điện.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch (doanh nghiệp chủ đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ 1, 2, 3, với tổng công suất 330MWp) Phan Thanh Hiền, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với PTC3 và trung tâm điều độ nên nhà máy phát hết công suất. Trừ ngày cuối tuần, lễ, Tết, nhu cầu tiêu thụ điện giảm, đơn vị phải tiết giảm công suất. "Tính chung năm 2023, công suất cắt giảm chỉ khoảng 9%", ông Phan Thanh Hiền thông tin.

Tương tự, Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Nhị Hà (Công ty TNHH một thành viên Solar power Ninh Thuận) Nguyễn Công Thành cũng đánh giá cao sự phối hợp của đơn vị truyền tải điện giúp đơn vị huy động cao nhất công suất và vận hành thiết bị an toàn.

Bảo đảm an toàn lưới điện

Giải tỏa hết công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là mong muốn của các doanh nghiệp đầu tư nhưng cũng là áp lực đối với đơn vị truyền tải.

Phó Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam và các nhà máy Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận Lê Thanh Phong cho hay, đường dây 220kV đấu nối Trạm biến áp 220kV Ninh Phước và Trạm biến áp 500kV Thuận Nam đã đóng điện từ tháng 4-2023 nhưng vẫn không thể giải tỏa hết công suất điện năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận. Việc các nhà máy vẫn phải cắt giảm công suất ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cũng đề nghị, EVNNPT hỗ trợ các nhà máy điện năng lượng tái tạo giải tỏa công suất, thông qua đầu tư, nâng cấp công trình điện theo quy hoạch, trong đó sớm xây dựng trạm biến áp 500kV Bình Định và 220kV Nhơn Hội.

Về phía đơn vị truyền tải, Giám đốc PTC3 Nguyễn Công Thắng chia sẻ, đơn vị tiếp tục rà soát, phối hợp với các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lưới bảo đảm an toàn cao nhất về thiết bị và đường dây, đồng thời bảo đảm kế hoạch cung cấp điện mùa khô năm 2024 và những năm tiếp theo.

"Về xây dựng hệ thống điện, thời gian qua, dự án cải tạo, nâng cấp đường dây 220kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn do Ban Quản lý các công trình điện miền Trung làm chủ đầu tư, đã được triển khai. Đến nay, dự án đã hoàn thành, đóng điện giai đoạn I (ngày 23-1-2024). Cùng với đó, đường dây 220kV Phù Mỹ - Quảng Ngãi đã được tăng khả năng tải lên gấp đôi (nâng cấp từ tiết diện dây), bảo đảm tăng công suất, hỗ trợ đắc lực trong việc giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo", ông Nguyễn Công Thắng nêu.

Cùng với đó, để hạn chế thấp nhất sự cố, công ty còn triển khai thiết bị bay không người lái kiểm tra định kỳ đường dây truyền tải điện trên toàn tuyến; đưa vào vận hành trung tâm giám sát xa các trạm biến áp không người trực. Trong năm 2023 đã hoàn thành chuyển đổi 100% trạm 220kV sang chế độ không người trực để bảo đảm tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và nhân lực quản lý vận hành. Qua đó, hỗ trợ tối đa việc bảo đảm an toàn lưới điện, đáp ứng nhu cầu cung ứng điện trong khu vực và miền Bắc qua các đường 500kV trên trục Bắc - Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đơn vị vận hành nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng cần tiếp tục phối hợp với đơn vị điều độ, bảo đảm huy động công suất lên lưới điện an toàn, ổn định, góp phần phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội.