Văn hóa

Cần thêm những giải pháp thiết thực

Linh Tâm ghi 24/03/2024 - 21:10

Nhiều năm qua, việc bảo tồn hát xẩm vẫn được thực hiện một cách lặng lẽ và nay đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, để mang lại luồng sinh khí mới cho nghệ thuật hát xẩm, cần có thêm những giải pháp thiết thực, cụ thể. Dưới đây là ý kiến của các nhà nghiên cứu và người thực hành nghệ thuật hát xẩm.

GS.TS Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long:
Bảo vệ hát xẩm trong đời sống đương đại là việc cần làm ngay

638463563054094358-tu-thi-l.jpg

Việc bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật hát xẩm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như sự hẫng hụt về đội ngũ nghệ nhân thực hành và người kế cận, việc truyền dạy từ trước đến nay chủ yếu là truyền khẩu, hạn chế trong việc tư liệu hóa dẫn đến “tam sao thất bản” các làn điệu và cung cách trình diễn xẩm cổ.

Bên cạnh đó là sự thay đổi về thị hiếu của công chúng dẫn đến sự thiếu hụt khán giả. Hơn nữa, so với các thể loại âm nhạc dân gian truyền thống khác như chèo, ca trù, đờn ca tài tử, quan họ... thì hát xẩm có phần ít được quan tâm, coi trọng. Để bảo vệ nghệ thuật hát xẩm trong đời sống đương đại, việc đầu tiên phải làm là củng cố, phát triển đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ hát xẩm, bởi không còn nghệ nhân sẽ không còn di sản. Trong điều kiện hiện nay, cần huy động cả đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia công cuộc này. Bên cạnh đó, cần mở rộng đội ngũ người thực hành hát xẩm; hỗ trợ và khuyến khích việc thành lập các trung tâm, câu lạc bộ, nhóm, chiếu xẩm để các nghệ sĩ, nghệ nhân và người yêu thích xẩm sinh hoạt, giao lưu, trao truyền, phổ biến xẩm. Cùng với việc đào tạo hát xẩm theo các hình thức truyền dạy, phải đưa hát xẩm vào chương trình đào tạo chính quy tại các trường văn hóa, nghệ thuật cũng như đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản gắn với nghệ thuật hát xẩm trong các trường học.

Thạc sĩ Lưu Ngọc Thành (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội):
Biểu diễn xẩm trong không gian phố cổ Hà Nội góp phần lan tỏa giá trị di sản

638463563061115078-ths-luu-.jpg

Những chiếu xẩm tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận khiến cho Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế. Để thu hút người xem, cần đa dạng hóa nội dung chương trình hát xẩm, tạo ra các chương trình theo nhiều chủ đề khác nhau như xẩm truyền thống, xẩm đương đại, xẩm đương đại - truyền thống, xẩm theo chủ đề... và sáng tác thêm tác phẩm mới phù hợp với thị hiếu của công chúng nhằm tạo sự đa dạng cho các buổi diễn.

Cùng với đó là đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ số để quảng bá thông tin về loại hình di sản này qua website, báo điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube... để kết nối với công chúng. Những thông tin này cần được cập nhật thường xuyên để có sự tương tác giữa người đăng và người xem tin, từ đó góp phần quảng bá xẩm vượt qua không gian lãnh thổ, để du khách quốc tế có thể cập nhật thông tin về di sản mọi lúc, mọi nơi trước khi đến Hà Nội.

Nhà biên kịch Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ nhiệm Dự án “Di sản trong lòng phố” (Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam - VICH):
Lấy khán giả làm trung tâm

638463563082645286-hiep1.jpg

VICH đã có nhiều năm hoạt động bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm, hát văn thông qua việc thu hút các bạn trẻ đến luyện tập, biểu diễn. Từ năm 2021, VICH bắt đầu phối hợp với những không gian văn hóa như Hạnh Silk, Phố Hoài, Gầm Trời... tổ chức các chương trình giao lưu, kết hợp nghệ thuật trình diễn sắp đặt với xẩm, lụa, hội họa và thử nghiệm nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, những buổi diễn này đòi hỏi kinh phí tổ chức lớn, khó có thể duy trì hoạt động. Vì thế, VICH chuyển hướng phục vụ khách với quy mô nhỏ hơn để “chạm” được tới khách hàng. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhu cầu, thị hiếu của khách, lên ý tưởng, xây dựng kịch bản chương trình theo chiều sâu với chiến lược hoạt động có tầm nhìn dài hạn. Năm 2023, sản phẩm chủ lực của VICH là biểu diễn hát xẩm tại các không gian nhỏ nhưng phù hợp với nhiều “tệp” khách hàng.

Với dự án "Di sản trong lòng phố", chúng tôi liên kết với những không gian văn hóa như Trà Thang (số 9 Chân Cầm), Hạnh Silk (số 2 Hoa Lư) hay Trung tâm Sáng tạo cộng đồng (34 Châu Long) để tổ chức các buổi diễn cố định hằng tuần, tạo sân chơi cho người yêu xẩm và phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước với mục tiêu: “Một loại hình, đa trải nghiệm”.

Để có lượng khách thường xuyên, bảo đảm duy trì hoạt động cho mỗi buổi diễn, các chương trình đều được quảng bá trên trang fanpage, Facebook, TikTok từ trước 2 tuần để du khách chủ động lựa chọn chương trình phù hợp với thời gian và sở thích của mình. Nhờ đó, nhiều du khách dù ở xa vẫn có thể lên kế hoạch đặt vé và kết hợp thưởng thức xẩm trong chuyến du lịch của mình. Trong mỗi buổi diễn, các nghệ sĩ sẽ vừa biểu diễn, vừa đưa ra những trò chơi giúp khán giả hiểu hơn về loại hình hát xẩm xưa - nay, về các không gian hoạt động của xẩm cũng như tư tưởng, thông điệp mà nghệ sĩ xẩm muốn truyền tải. Mặc dù giá vé cao hơn so với mặt bằng chung nhưng khán giả đều sẵn sàng bỏ tiền vì họ không chỉ được thưởng thức nghệ thuật đơn thuần mà còn có thêm nhiều trải nghiệm.

Tới đây, VICH sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Ngắm cảnh Việt Nam (Vietnam Sightseeing) tổ chức show diễn xẩm trên xe buýt 2 tầng vào tối cuối tuần nhằm thử nghiệm một không gian mới cho xẩm, từ đó giúp khán giả có thể mường tượng về xẩm tàu điện - loại hình phổ biến vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và chỉ Hà Nội mới có. Việc biểu diễn thường xuyên tại nhiều không gian khác nhau còn nhằm tạo sân chơi lâu dài cho những người yêu xẩm, giúp họ có thêm kinh nghiệm biểu diễn, giao lưu với du khách, đồng thời duy trì ngọn lửa đam mê với xẩm - một di sản văn hóa phi vật thể quan trọng.