Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương năm 2023 (PII - Provincial Innovation Index). Đây là bức tranh tổng thể phản ánh thực tế phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các địa phương. Và Hà Nội vinh dự dẫn đầu danh sách.
Kết quả này dựa trên việc chấm điểm khách quan theo 7 trụ cột đầu vào và đầu ra với tổng cộng 52 chỉ số thành phần. Các chỉ số đầu vào thể hiện năng lực, tiềm lực khoa học công nghệ địa phương. Chỉ số đầu ra thể hiện việc chuyển đổi của tiềm lực khoa học công nghệ thành các tác động xã hội, kết quả phát triển kinh tế - xã hội địa phương đó. 5 trụ cột đầu vào là thể chế; cơ sở hạ tầng; vốn con người và nghiên cứu phát triển; trình độ phát triển doanh nghiệp; trình độ phát triển của thị trường.
2 trụ cột đầu ra là sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tính tác động.
Có thể nói, PII đem lại giá trị tham khảo rất quan trọng giúp cho các địa phương biết rõ điểm mạnh, yếu trong đổi mới sáng tạo của mình để cải thiện. Đồng thời, chỉ số này tạo ra sự so sánh, kích thích thi đua và nỗ lực của các địa phương trong đổi mới sáng tạo, cũng như tạo lập môi trường cho đổi mới sáng tạo. PII còn có ý nghĩa lớn khi mà đổi mới sáng tạo là đòi hỏi cấp bách đặt ra trên bình diện quốc gia. Với Việt Nam, chậm đổi mới sáng tạo có thể sẽ đánh mất thời cơ khai thác tiềm năng, thế mạnh, nhất là dân số vàng để phát triển nhanh, bền vững.
Đối với “Thành phố sáng tạo” Hà Nội, kết quả này cho thấy những chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư cho đổi mới sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính, khuyến khích khởi nghiệp mà Thành phố triển khai đã cho trái ngọt. Hà Nội đạt điểm tuyệt đối ở các cấu phần về nhân lực nghiên cứu phát triển, cũng như mức chi cho hoạt động này. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại đây cũng đạt 100 điểm. Ở đầu ra, số lượng tài sản trí tuệ (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích) thuộc nhóm đầu cả nước.
Điều này khẳng định, Hà Nội đã và đang đi đúng hướng và có thể tận dụng đà này xốc tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo lan tỏa, ngấm sâu vào mọi mặt đời sống, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội...
Thực tế, lĩnh vực nào cũng cần đổi mới sáng tạo, nhưng đổi mới sáng tạo dường như vẫn chưa thật “ngấm” vào không ít lĩnh vực hoặc nơi này, nơi kia của Hà Nội, khiến cho có những việc mãi không chuyển, khó khăn trong xử lý, chậm trễ trong giải quyết gây bức xúc cho dư luận và người dân. Ví như chuyện đào đường cứ thi thoảng lại được “bôi” ra chỗ này, chỗ kia, đáng nói là tình trạng này kéo dài nhiều năm qua chưa thấy màu sắc của đổi mới sáng tạo. Hay như việc quản lý vỉa hè vẫn bị phê bình là “bắt cóc bỏ đĩa”, lúc nào ra quân thì trật tự, ngừng ra quân tại đâu vào đấy. Ngay như công tác quản lý lễ hội, an toàn thực phẩm, tuyển sinh đầu cấp... vẫn tồn tại những bất cập cũ mà nhiều người vẫn thường bình luận bằng cụm từ quen thuộc “đến hẹn lại lên”. Và cả như tấm vé xe buýt, dư luận vẫn hy vọng sẽ sớm có một ngày không xa tất cả các tuyến sẽ không còn cảnh "trả tiền xé vé" nữa.
Đổi mới sáng tạo là một tiến trình, muốn có sản phẩm đầu ra thì phải có nguồn lực, sự đầu tư cho yếu tố đầu vào. Tất nhiên vậy rồi. Và, để đổi mới sáng tạo “ngấm” được, lan tỏa trong đời sống thì các địa phương phải đưa đổi mới sáng tạo trở thành văn hóa trong xã hội, mà trước tiên phải là trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị. Ở đây, văn hóa đổi mới sáng tạo sẽ "bén rẽ, đâm chồi" khi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khát khao thay đổi, có khát vọng cống hiến hay chí ít là luôn cố gắng làm tốt hơn công việc của mình.