Thể thao

Tín hiệu vui với bóng đá nữ Việt Nam

Ngân Hà 24/03/2024 - 07:19

Mới đây, thị trường chuyển nhượng cầu thủ nữ ở làng bóng đá Việt cho thấy những tín hiệu khởi sắc với bộ ba ngôi sao Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Kim Thanh và Trần Thị Thu được chiêu mộ bằng những bản hợp đồng ấn tượng.

Đây được coi là bước chuyển mình của bóng đá nữ Việt Nam, góp phần cải thiện tính cạnh tranh và chất lượng của hệ thống các giải vô địch quốc nội.

bo-ba-tuyen-thu-quoc-gia-ki.jpg
Bộ ba tuyển thủ quốc gia Kim Thanh, Bích Thùy và Trần Thị Thu là thương vụ “bom tấn” của Câu lạc bộ Thái Nguyên T&T trước mùa giải 2024.

Khởi sắc từ những bản hợp đồng ấn tượng

Câu lạc bộ nữ Thái Nguyên T&T vừa tạo nên bất ngờ lớn trong làng bóng đá nữ Việt Nam khi chiêu mộ ba tuyển thủ quốc gia Việt Nam gồm: Trần Thị Thu, Trần Thị Kim Thanh và Nguyễn Thị Bích Thùy. Trong đó, Kim Thanh là đương kim Quả bóng vàng nữ Việt Nam, còn Bích Thùy giành danh hiệu Quả bóng đồng năm 2023. Mặc dù chi tiết hợp đồng không được tiết lộ song phía Câu lạc bộ nữ Thái Nguyên T&T khẳng định, ba cầu thủ trên đều nhận được phí "lót tay" cùng chế độ đãi ngộ tương xứng.

Huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ Thái Nguyên T&T Đoàn Việt Triều cho biết, 4 năm trước, Câu lạc bộ Thái Nguyên đứng trước nguy cơ giải thể. Một số cầu thủ dần coi đá bóng là công việc bán thời gian. Thậm chí, nhiều gương mặt còn chấp nhận từ bỏ đam mê, đến các nhà máy làm công nhân để có thu nhập trang trải cuộc sống cá nhân và gia đình.

Rất may, từ năm 2020 đến nay, Câu lạc bộ nhận được sự đồng hành của Tập đoàn T&T với nguồn kinh phí gần 11 tỷ đồng. Không chỉ lương, thưởng của cầu thủ và huấn luyện viên được nâng cao, Thái Nguyên T&T còn được tăng cường nhân sự bằng những bản hợp đồng chất lượng. Với sự bổ sung cầu thủ giỏi, Thái Nguyên T&T đặt mục tiêu cạnh tranh huy chương tại các giải đấu mà Câu lạc bộ tham dự trong năm 2024.

Tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy cho hay: "Tôi hy vọng mọi người nhìn vào những thành tích mà chúng tôi đạt được ở đội tuyển quốc gia, từ đó tiếp tục ủng hộ bóng đá nữ Việt Nam. Tôi mong muốn khoảng cách chuyển nhượng giữa các cầu thủ nam và cầu thủ nữ ngày càng được thu hẹp".

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Đỗ Vinh Quang bày tỏ, bóng đá nữ Việt Nam đã tiến bộ trong nhiều năm qua, có thành tích Vô địch SEA Games, AFF Cup, giành vé dự World Cup..., nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định với những nền bóng đá hàng đầu. Thêm nữa, ở giải bóng đá nữ vô địch quốc gia, thu nhập của cầu thủ còn thấp.

"Vì vậy, chúng tôi muốn bảo đảm cho cầu thủ nữ Thái Nguyên mức thu nhập tốt, kế hoạch dài hạn để phát triển chuyên môn, nâng cao năng lực, có môi trường đủ cạnh tranh để phát triển", ông Đỗ Vinh Quang chia sẻ.

Đổi mới để phát triển

Bóng đá nữ Việt Nam thành công vang dội ở đấu trường Đông Nam Á với 4 tấm Huy chương vàng SEA Games liên tiếp và tấm vé dự World Cup nữ 2023, góp phần cải thiện giá trị bóng đá nữ trong mắt nhiều nhà tài trợ, đồng thời giúp nhiều cầu thủ đổi đời.

Được dự World Cup cũng là minh chứng cho thấy tiềm năng, mức độ phát triển của bóng đá nữ Việt Nam nếu được đầu tư đúng mức. Dẫu vậy, các cầu thủ và những người làm bóng đá nữ Việt Nam đối diện với bài toán duy trì thành tích nhằm tiếp tục thu hút các nhà tài trợ. Chỉ khi bóng đá nữ Việt Nam liên tục thành công và tạo ra sự lan tỏa lớn với người hâm mộ, việc tìm thêm nguồn tài chính mới trở nên dễ dàng hơn.

Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú khẳng định, muốn bóng đá nữ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, công tác vận hành của câu lạc bộ cũng phải chuyên nghiệp và phải có nguồn lực tài chính. Đơn cử, trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới 2024, Câu lạc bộ bóng đá nữ Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự tiếp sức từ Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Sơn Nam với gói tài trợ 15 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Đây là nguồn lực quan trọng để thầy trò huấn luyện viên Đoàn Thị Kim Chi giải quyết khó khăn về kinh phí, duy trì sức mạnh và phát triển bền vững.

Đáng chú ý, ngay sau khi nhận được khoản tài trợ trên, Câu lạc bộ bóng đá nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã được Sở Văn hóa - Thể thao thành phố xúc tiến lộ trình thành lập công ty cổ phần và tìm nhà tài trợ đồng hành, tương tự như mô hình của bóng đá nam. Đây là một giải pháp quan trọng nhằm giữ chân những cầu thủ trụ cột.

Trưởng bộ môn bóng đá (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội) Đỗ Văn Nhật cho rằng, xu hướng cầu thủ tìm kiếm mức thu nhập cao là hoàn toàn hợp lý. Việc cạnh tranh bằng những bản hợp đồng chuyển nhượng của những đội bóng đá lớn cũng có thể xem như cơ hội để các địa phương tháo gỡ "bài toán cơ chế". Muốn bóng đá nữ ngày càng chuyên nghiệp, có thêm nhiều cơ hội tham dự World Cup, mô hình quản lý của các đội bóng cũng cần thay đổi và thích nghi với thực tế mới.

Việc hình thành thị trường chuyển nhượng cầu thủ sẽ giúp bóng đá nữ Việt Nam phát triển cân bằng, có sự cạnh tranh lớn hơn. Mỗi cầu thủ cũng có thêm động lực tập luyện, phấn đấu sẽ giúp Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia hấp dẫn hơn, mặt bằng chất lượng của đội tuyển quốc gia cũng đi lên.