Giải trí

Phim truyền hình “giờ vàng”: “Khát” những gương mặt mới

Minh Anh 23/03/2024 - 07:52

Không thể phủ nhận phim truyền hình Việt “giờ vàng” trên sóng VTV đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh về số lượng, việc thiếu hụt những gương mặt mới cũng đang ở tình trạng báo động, khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, các đạo diễn đau đầu.

638462682251806996-chung-ta.jpg
Huyền Lizzie, Mạnh Trường... đều là những gương mặt quen thuộc của phim truyền hình Việt nhiều năm qua.

Quen đến nhàm

Trong giai đoạn 2020 - 2022, nữ diễn viên Phương Oanh đã 4 lần thủ vai nữ chính trong các bộ phim “Cô gái nhà người ta”, “Những ngày không quên”, “Lựa chọn số phận” và “Hương vị tình thân”. Số phim mà Quỳnh Kool đóng trong cùng thời gian ấy là 5 phim, với 2 vai nữ chính và 3 vai nữ thứ. Lương Thu Trang cũng là cái tên quen mặt trên sóng phim giờ vàng khi 3 lần được chọn vào vai nữ chính. Huyền Lizzie không hề kém cạnh với 3 phim, và 2 lần thủ vai nữ chính, năm 2023, nữ diễn viên tiếp tục đảm nhận vai chính trong “Chúng ta của 8 năm sau”. Mạnh Trường, Hồng Diễm, Thanh Sơn, Doãn Quốc Đam... cũng liên tục “phủ sóng” ở các dự án phim của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) những năm gần đây.

Nhiều khán giả bày tỏ họ quá ngán ngẩm với việc bật ti vi là lại gặp những gương mặt quen thuộc. Không chỉ lên sóng với tần suất dày đặc, mô típ vai diễn mà một diễn viên đảm nhận cũng có sự lặp đi lặp lại khiến người xem có thể “đọc vị” và đôi khi bị nhầm lẫn, mất cảm xúc khi xem phim.

Chẳng hạn như Việt Anh, đóng 10 phim thì cũng 8 phim vai diễn của anh “vào tù ra tội”, khiến nam diễn viên phải nhắn nhủ các đạo diễn: “Nếu vai tù tội thì đừng gọi cho tôi". Hồng Diễm được xem là “nữ hoàng nước mắt” khi không thể thoát được vai người phụ nữ yếu đuối, dễ bị bắt nạt và không hạnh phúc trong hôn nhân. Còn nhắc đến “soái ca”, nam chính hiền lành, tử tế của màn ảnh Việt, khán giả nhớ ngay đến Mạnh Trường, Thanh Sơn...

Lý giải điều này, đạo diễn Bùi Tiến Huy (phim “Tình yêu và tham vọng”, “Đừng nói khi yêu”, “Thương ngày nắng về”, “Chúng ta của 8 năm sau”...) cho rằng: Đây là thực trạng chung vì số lượng phim Việt hàng năm sản xuất ngày càng nhiều. Với những dự án phim dài hơi từ 40 tập trở lên, các đạo diễn thường chọn những gương mặt diễn viên đã có kinh nghiệm và sự nổi tiếng nhất định. Quay dự án dài hơi thường sẽ mất 6 - 8 tháng, thậm chí có phim cả năm. Như vậy, sự ổn định về mặt diễn xuất trong suốt thời gian quay dài là yếu tố rất quan trọng. Điều này các diễn viên mới thường không đáp ứng được.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận định: “Khi sản xuất phim truyền hình có yếu tố công nghiệp theo kiểu chạy show thì rõ ràng việc tìm kiếm bản sắc cho diễn viên là rất khó. Đó là lý do vì sao ngày nay chúng ta thấy cách diễn xuất của các diễn viên trong các bộ phim truyền hình khác nhau, song lại rất giống nhau về biểu cảm, hành động. Đó chính là mặt trái của ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình”.

Nỗ lực “đãi cát tìm vàng”

Theo đạo diễn Bùi Tiến Huy, không chỉ anh mà các đạo diễn đều luôn muốn tìm những gương mặt mới trong phim của mình, vừa để mang đến sự mới mẻ cho khán giả, vừa tạo niềm hứng thú và cảm xúc cho đạo diễn trong quá trình quay.

Đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng cho rằng, casting (thi tuyển diễn viên) là công đoạn có ý nghĩa rất lớn và quan trọng trong việc tìm ra diễn viên phù hợp - người có khả năng truyền tải đầy đủ tính cách nhân vật, nội dung của kịch bản và cân đối, phù hợp với các nhân vật khác trong phim. Đạo diễn phim “Trạm cứu hộ trái tim” (đang chiếu trên VTV3) nhấn mạnh, VFC và anh đều có sự chủ động, ý thức trong việc tìm kiếm các gương mặt mới với mong muốn có được lực lượng diễn viên hùng hậu.

"VFC nói chung và tôi hay các đạo diễn khác nói riêng luôn tìm tòi và trông chờ nguồn diễn viên từ trường Sân khấu - Điện ảnh, các nhà hát kịch, thậm chí là từ các câu lạc bộ về diễn xuất tự phát ngoài xã hội. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm cả những diễn viên phía Nam nữa. Thế hệ diễn viên kế cận cho dàn diễn viên hiện tại đã phải chuẩn bị. VFC cũng luôn tổ chức các khóa đào tạo diễn viên riêng để chủ động được phần diễn viên của mình và chắc chắn sẽ nhắm tới thế hệ trẻ, càng trẻ càng tốt vì họ sẽ đồng hành được với các phim của VFC trong khoảng thời gian dài" - đạo diễn Vũ Trường Khoa chia sẻ.

Tuy nhiên, NSƯT Vũ Trường Khoa cũng thừa nhận, để tìm một thế hệ diễn viên mới thay thế dàn diễn viên hiện tại là điều không hề dễ dàng, điều này phải trải qua thời gian thử thách và trưởng thành rất dài của diễn viên. Đồng quan điểm này, đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh - người “cầm trịch” các tác phẩm “11 tháng 5 ngày”, “Gia đình mình vui bất thình lình” và mới nhất là “Mình yêu nhau, bình yên thôi” chia sẻ, mỗi bộ phim, một trong những việc tiên quyết để thành công là chọn được diễn viên có thể chuyển thể nhân vật từ câu chữ trên giấy thành hình ảnh đưa đến khán giả. Vì vậy, với anh, ngoài việc tuyển chọn những diễn viên mới, trẻ trung, thì việc giao phó những vai diễn quan trọng cho những diễn viên có thực lực, làm việc ăn ý, là điều quan trọng, không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng vậy.

Điều này cho thấy, việc cân bằng giữa yếu tố mới mẻ và khả năng đảm nhận vai diễn một cách an toàn cũng là một bài toán khó trong việc làm mới gương mặt diễn viên truyền hình hiện nay. Đúng như nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận xét: “Để có nhiều gương mặt mới hơn trên màn hình, rất cần sự tin tưởng và cả sự kiên nhẫn của đạo diễn và ê kíp sản xuất. Tiềm năng của những gương mặt trẻ là có, nhưng khai thác tiềm năng ấy lại phụ thuộc vào độ nhạy cảm và khát vọng làm mới của đạo diễn phim”.