Thể thao

Sống bằng nghề đá bóng

Minh An 23/03/2024 - 07:51

Câu chuyện 3 cầu thủ nữ của đội bóng thành phố Hồ Chí Minh cập bến Thái Nguyên ở mùa giải tới cho thấy phụ nữ đá bóng không còn là câu chuyện của đam mê, mà còn là nghề kiếm sống. Điều này khiến các đội bóng mạnh hiện nay, trong đó có Hà Nội, phải tìm cách giữ chân những cầu thủ giỏi.

thu-thanh-kim-thanh.jpg
Thủ thành Kim Thanh (trái) vừa gia nhập câu lạc bộ Thái Nguyên T&T. Ảnh: VFF

Không còn là chuyện hiếm

Cách đây 2 năm, làng bóng đá nữ Việt Nam xôn xao với việc 3 cầu thủ nữ của Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 2 cầu thủ từng được gọi vào đội tuyển quốc gia, gia nhập đội bóng đất chè Thái Nguyên T&T. Lúc ấy, đội bóng này được tập đoàn T&T tiếp sức và bắt đầu tính tới việc thu hẹp khoảng cách về chuyên môn với các đội bóng nhóm đầu như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội bằng cách chiêu mộ những cầu thủ giỏi từ những đội bóng này.

Để thực hiện mục tiêu đó, Thái Nguyên T&T đưa ra mức đãi ngộ tốt hơn hẳn so với nhiều đội bóng khác. Khái niệm “lót tay” dần trở nên quen thuộc ở sân chơi bóng đá nữ; mức "lót tay" cho 1 năm thi đấu thường trong khoảng 300 - 500 triệu đồng, chưa thể so với bóng đá nam nhưng đủ kích thích các cầu thủ nữ.

Đến mùa giải 2024, Thái Nguyên T&T tiếp tục thực hiện cách làm quen thuộc để tăng sức mạnh cho mình, nhắm tới nhiều cầu thủ của Thành phố Hồ Chí Minh hết hạn hợp đồng. Cuối cùng, với mức "lót tay" khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm cùng mức lương 25 - 30 triệu đồng/tháng, Thái Nguyên T&T đã thuyết phục được Trần Thị Kim Thanh, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Thu ký vào bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Điều đó đồng nghĩa với việc đội bóng đương kim vô địch quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải rất chật vật trong thời gian tới để giữ vị thế sau khi không gia hạn được với những cầu thủ hàng đầu Việt Nam. Trong đó, Trần Thị Kim Thanh nhận danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam năm 2023, Nguyễn Thị Bích Thùy nhận danh hiệu Quả bóng đồng Việt Nam 2023.

Không kể 3 cầu thủ trên, cũng ít người biết, suýt nữa 2 cầu thủ hàng đầu của Hà Nội cũng đầu quân cho Thái Nguyên T&T. Phải mất vài tháng trời thuyết phục với lý lẽ về sự thiệt hơn, cùng chế độ đãi ngộ tốt vào diện hàng đầu Việt Nam nhờ có Nghị quyết mới đây của HĐND thành phố Hà Nội về một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao của thành phố Hà Nội thì đội bóng Thủ đô mới giữ chân được các trụ cột của mình. Trong Nghị quyết trên, VĐV tham dự World Cup bóng đá nữ được hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng trong khoảng thời gian giữa hai kỳ World Cup. Cộng với các khoản lương, thưởng, hỗ trợ khác từ nhà tài trợ của đội, các cầu thủ hàng đầu của đội bóng đá nữ Hà Nội có khoản thu nhập tương đương với mức lương mà Thái Nguyên T&T đưa ra.

Như vậy, bóng đá nữ Việt Nam đã có những dấu hiệu về thị trường chuyển nhượng đúng nghĩa.

Động lực cho nhiều phía

Việc Thái Nguyên T&T đặt dấu mốc mới trong làng bóng đá nữ về chế độ đãi ngộ tốt nhằm thu hút cầu thủ cả nước đã tạo ra góc nhìn mới về bóng đá nữ. Cầu thủ nữ giỏi đã có thêm lựa chọn, thoát cảnh "cắn răng" thi đấu trong môi trường tập luyện và chế độ đãi ngộ thấp hơn mặt bằng chung trong làng thể thao Việt Nam, thậm chí phải giải nghệ vì thu nhập từ bóng đá quá "hẻo".

Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nhìn nhận: “Việc được lựa chọn những đội bóng có chế độ đãi ngộ tốt là động lực để nhiều cầu thủ yên tâm cống hiến và cũng giúp nhiều gia đình yên tâm hơn khi cho con gái theo đuổi bóng đá nữ”.

Trong khi đó, Trưởng bộ môn Bóng đá nữ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội Nguyễn Văn Nhật thừa nhận rằng, cần có nhiều giải pháp để giữ chân cầu thủ trụ cột, thu hút thêm nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cầu thủ, giúp họ yên tâm tập luyện, thi đấu.

Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã tính tới việc thành lập Công ty cổ phần bóng đá nữ nhằm dễ dàng thu hút và sử dụng nguồn lực xã hội hóa. Đích đến cuối cùng vẫn là giữ chân cầu thủ trụ cột, thu hút cầu thủ từ nơi khác và có thêm kinh phí cho các tuyến bóng đá nữ của thành phố...

Hiện nay, người quan tâm tới bóng đá nữ không muốn chỉ có một đội bóng sẵn sàng chiêu mộ cầu thủ với phí lót tay và thu nhập cao hơn hẳn so với mặt bằng chung, mà mong có nhiều đội có cách làm tương tự để cầu thủ yên tâm “sống với nghề”. Dù vậy, các đội này cũng cần phải chăm chút hệ thống đào tạo trẻ thay vì chỉ vung tiền chiêu mộ cầu thủ từ nơi khác. Và từ đây, cơ quan quản lý bóng đá nước nhà cũng cần có sự điều chỉnh quy định tổng thể với bóng đá nữ, trong đó có vấn đề chuyển nhượng, nhằm tạo môi trường phát triển, sự cạnh tranh lành mạnh trong bóng đá nữ.