Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ vướng cho công tác thu hồi đất
Nguyên nhân khiến các dự án giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội bị dang dở, chủ yếu là không thống nhất được đơn giá đền bù, giải phóng mặt bằng. Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), trong đó quy định bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất, hướng tới bồi thường theo giá thị trường và chính sách về tái định cư cũng đa dạng, linh hoạt hơn. Các quy định này kỳ vọng giúp tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án được nhanh hơn.
Đơn giá bồi thường còn thấp
Dự án mở rộng quốc lộ 6A và Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận quận Hà Đông có liên quan đến hàng nghìn hộ dân. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án này đều nhận được sự đồng thuận của người dân, song về giá bồi thường, phương thức tái định cư vẫn còn không ít trăn trở.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (tổ dân phố số 17, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) chia sẻ: “Gia đình tôi rất ủng hộ việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường giao thông. Tuy nhiên, theo Quyết định số 3515/QĐ-UBND ngày 21-9-2023 của UBND quận Hà Đông, vị trí đất thu hồi của gia đình tôi ở mặt quốc lộ 6A, trước cửa Bến xe Yên Nghĩa có giá là 90.586.000 đồng/m2, quá thấp (giá đất theo thị trường hiện tại ở khu vực này khoảng 250.000.000 đồng/m2). Trong khi đó, giá đất tái định cư thuộc địa bàn xã Tam Hưng, ở đường 427, từ đoạn giáp quốc lộ 21B đến hết địa phận xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) lại quá cao, lên tới 61.839.419 đồng/m2. Nếu áp giá này, các hộ dân ở đây không đủ điều kiện nhận một suất đất ở rộng 50m2 theo hạn mức giao đất ở của huyện Thanh Oai, thì phải nộp bổ sung thêm phần thiếu từ 14m2 đến 16m2, với số tiền lên tới cả tỷ đồng. Tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng không đủ nộp”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Giang (phường Biên Giang, quận Hà Đông), nếu tái định cư bằng nhà ở chung cư, những hộ vẫn còn sản xuất nông nghiệp không biết để nông cụ sản xuất ở đâu. Hơn nữa, việc chuyển đổi nghề nghiệp, kế sinh nhai cần nhiều thời gian.
Tương tự, đối với Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 428 (giai đoạn 1) dài 5km, đi qua các xã, thị trấn: Vân Đình, Phương Tú, Trung Tú và Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 21B - đoạn từ thị trấn Vân Đình đến đường tỉnh 424 (76 cũ), thuộc địa phận huyện Ứng Hòa, việc giải phóng mặt bằng cũng gặp không ít khó khăn. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ứng Hòa Đặng Đăng Khoa thông tin, hầu hết các hộ dân chưa đồng thuận là do đơn giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn thấp, chưa sát với thị trường.
Đối với huyện Phú Xuyên, việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm của huyện, như: Đường đê sông Hồng; tỉnh lộ 428, 429; quốc lộ 1A, đoạn khu trung tâm huyện; đường trục phát triển phía Đông (kênh Bìm); đường Văn Hoàng - Phượng Dực, đường Văn Hoàng - Phú Túc… đều khó khăn khâu giải phóng mặt bằng, dẫn tới chậm tiến độ. Bởi, giá bồi thường thấp hơn nhiều lần so với giá thực tế của thị trường, nhất là ở các xã có ngành nghề phát triển.
Định giá theo thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) hướng đến giải quyết một vấn đề rất lớn, đó là chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất. Luật đã kế thừa các quy định được thực tiễn chứng minh là phù hợp; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ, các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất bảo đảm nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn; người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất… để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. “Luật cũng đã quan tâm đến chủ sở hữu tài sản mà không đồng thời là chủ sử dụng đất. Điều này sẽ gỡ rất nhiều cho các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp, nhưng chủ sở hữu tài sản là người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tạo sự bình đẳng, thống nhất trong việc sở hữu tài sản”, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho hay.
Như vậy, cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã được quy định khá rõ. Việc xác định giá đất phải sát với giá thị trường, bảo đảm không quá thấp, không có sai lệch và tương đối phù hợp. Về tái định cư cũng linh hoạt với nhiều sự lựa chọn, phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương. Theo giới chuyên gia, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sát giá thị trường không chỉ là chìa khóa quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, mà còn tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Sơn Tây Phan Thị Minh Hạnh:
Quy định rõ ràng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng
Điểm mới quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi) là quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi trong lĩnh vực thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng. Luật cũng nêu rõ nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật…
So với trước đây, Luật quy định cụ thể và chặt chẽ nội dung này, nhất là lượng hóa các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, về bồi thường chi phí di chuyển tài sản, mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm…, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người dân có đất bị thu hồi. Việc đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào thực tiễn sẽ giúp chính quyền, cơ quan chức năng thị xã Sơn Tây và người dân thực thi đúng pháp luật trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án.
Chủ tịch UBND thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa Dương Anh Dũng:
Các văn bản hướng dẫn cần cụ thể, dễ thực hiện
Thời gian qua, thị trấn Vân Đình đã quyết liệt thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm, nhưng vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và các vị trí tái định cư. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều bất cập.
Với việc Luật Đất đai (sửa đổi) đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hy vọng khắc phục được các bất cập nêu trên. Điều quan trọng, các văn bản hướng dẫn dưới luật cần cụ thể, dễ thực hiện để cán bộ cơ sở triển khai thuận lợi. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Đất đai (sửa đổi) nói chung và nội dung về bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nói riêng để người dân hiểu đúng về tinh thần của Luật, từ đó đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông Phạm Thị Phương Thảo:
Giúp người dân ổn định cuộc sống
Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý, nhất là cụ thể hóa nguyên tắc quy định tại Nghị quyết 18-NQ/TƯ “người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Cụ thể, tại Điều 91, Luật Đất đai (sửa đổi) thông tin: Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cũng tại Điều 91 này quy định rõ: Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...
Có thể thấy, khi áp dụng vào thực tiễn những quy định mới của Luật sửa đổi về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, góp phần giúp người dân có đất bị thu hồi nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Dương Thanh ghi