Xẩm Hà thành “vượt cạn”
Nếu như trước đây hát xẩm phải đi tìm khán giả thì nay, xẩm Hà thành đã có một sân khấu thường xuyên, biểu diễn có thu phí tại phố Chân Cầm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đó là minh chứng sống động cho sự hồi sinh của xẩm. Song, để hát xẩm phát triển bền vững thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của nhà quản lý cũng như cộng đồng.
Bỏ tiền thưởng thức xẩm
Trong căn gác của quán Trà Thang (số 9 phố Chân Cầm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), show hát xẩm “Vẻ đẹp Đông Dương” bắt đầu bằng những câu chuyện về xẩm.
Trong không gian ấm cúng, không có khoảng cách giữa nghệ sĩ - nghệ nhân và khán giả, buổi diễn bắt đầu bằng những câu chuyện về Hà Nội cách đây chừng một thế kỷ và những điều thú vị như hát xẩm từ làng quê lên Hà Nội như thế nào cùng những sắc thái riêng của xẩm Hà thành. Và, các nghệ sĩ - nghệ nhân bắt đầu buổi diễn với bài “Hà Nội 36 phố phường”.
Sau mỗi bài hát lại có những câu chuyện được kể. Khán giả tương tác với người biểu diễn, tìm hiểu về Hà Nội xưa - Hà Nội nay qua chính những bài hát xẩm. Chẳng hạn như tìm hiểu về những địa danh còn hay những địa danh đã mất qua bài “Hà Nội 36 phố phường”.
Chính những câu chuyện và sự tương tác ấy khiến khán giả được đặt ở vị trí trung tâm buổi diễn, họ tìm thấy ở đó điều gì đó gần gũi với bản thân mình. Và, điều đặc biệt không kém là quán Trà Thang được cải tạo từ một ngôi nhà, trang trí theo kiểu Hà Nội xưa. Trà Thang, có nghĩa những cốc trà có nhiều vị, như một thang thuốc. Điều này phù hợp với “chất” của một buổi diễn đậm tính hoài cổ.
Xẩm Hà Nội đã đi qua một chặng đường dài. Nhưng show hát xẩm do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) tổ chức tại số 9 phố Chân Cầm đánh dấu lần đầu tiên một chương trình hát xẩm được tổ chức thường xuyên và có thu phí. Để bảo đảm chất lượng biểu diễn, nhất là sự truyền tải âm nhạc bằng cách hát mộc (không có sự can thiệp của thiết bị tăng âm, điện tử), mỗi buổi diễn Trung tâm chỉ tiếp nhận tối đa khoảng hơn 20 khách.
Đã mấy tháng liên tục kể từ khi ra mắt, hầu như show xẩm nào cũng đắt khách. Trước đây, Trung tâm thường tập trung giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể với khách nước ngoài, hoặc trình diễn xẩm trong các hoạt động ngoại giao. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu của khách trong nước ngày một tăng lên, Trung tâm đã tìm cách chinh phục “khách nội”.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam Nguyễn Lệ Quyên cho biết: “Trong các loại hình di sản thì hát xẩm là loại hình dễ tiếp cận với công chúng. Những câu chuyện, những bài hát xẩm là nguyên liệu. Làm thế nào để từ nguyên liệu đó chuyển thành một sản phẩm văn hóa, nhất là làm thế nào để người mua cảm thấy xứng đáng với món tiền mà mình bỏ ra là điều rất khó. Do đó, chúng tôi phải tìm tòi, phối hợp với các bên để xây dựng sản phẩm”.
Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã phối hợp với Chèo 48h - một câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống tập hợp nhiều bạn trẻ say mê nghệ thuật truyền thống, trong đó có hát xẩm, và một số nhà nghiên cứu, nghệ sĩ trẻ tài năng khác để hợp sức xây dựng sản phẩm. Từng chi tiết nhỏ nhất trong show diễn đều được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để buổi diễn tạo chiều sâu, khiến khán giả lắng đọng cảm xúc.
Các buổi diễn được thử nghiệm và chỉnh sửa dần trước khi ra mắt. Kết quả là show xẩm Đông Dương của Trung tâm có 3 phần: Xẩm đàn, xẩm kể, xẩm ca. Trong đó, “xẩm kể” chính là những câu chuyện văn hóa, sự tương tác, giao lưu với người nghe. Giá vé mỗi show hiện là 250.000 đồng, một mức giá không thể coi là rẻ nhưng Trung tâm thường bán hết vé từ khá sớm. Thời gian diễn vào sáng chủ nhật, nhưng thường thì giữa tuần đã kín chỗ.
Từng có quãng thời gian công chúng gần như lãng quên hát xẩm. Nghệ nhân không có đất diễn. Nhưng hiện giờ, ngoài show hát xẩm do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam thực hiện, trên địa bàn Hà Nội còn nhiều câu lạc bộ, nhóm hát xẩm. Điển hình như nhóm Xẩm Hà thành với hai gương mặt nổi tiếng là Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa; Câu lạc bộ Xẩm Tâm Việt - nơi tập hợp các nghệ sĩ, nghệ nhân khiếm thị; Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam... Các trung tâm, câu lạc bộ, nhóm tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức.
Đó là một chỉ dấu cho thấy xẩm đã “vượt cạn” thành công. Hơn thế, từ chỗ phải đi tìm khán giả, phục vụ miễn phí là chủ yếu, hiện giờ, khán giả đã sẵn sàng bỏ tiền ra để thưởng thức xẩm.
Lan tỏa một không gian văn hóa
Hát xẩm có ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng khi “về” Hà Nội, các nghệ nhân xẩm đã có những thay đổi phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người dân thành thị. Bởi thế, xẩm Hà thành có những sắc thái riêng. Đặc biệt, phải kể đến “xẩm tàu điện” - một loại hình hát xẩm gắn liền với những chiếc tàu điện của Hà thành một thuở.
Cách đây gần 20 năm, công chúng Thủ đô ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được xem một “chiếu” xẩm biểu diễn thường kỳ trước chợ Đồng Xuân vào mỗi cuối tuần, trong không gian đi bộ ở khu phố cổ Hà Nội. Trên sân khấu rộng chừng 20m2, người xem cuốn theo không khí rộn ràng của các bài xẩm như "Vui nhất có chợ Đồng Xuân", "Chân quê", "Mẹ ra thành phố thăm con", "Tiễu trừ tham nhũng"...
Chiếu xẩm trước chợ Đồng Xuân do Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện đã trở thành "cái nôi" nuôi dưỡng tình yêu hát xẩm trong công chúng và đặc biệt là nhiều nghệ sĩ tài năng. Nhiều nghệ sĩ trưởng thành từ chiếu xẩm này và có những hoạt động hồi sinh, phát triển nghệ thuật hát xẩm.
Cũng chính Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam là đơn vị tổ chức lễ Giỗ tổ nghề hát xẩm lần đầu tiên (năm 2015). Hoạt động này sau đó vẫn tiếp tục được tổ chức, giúp tăng tính kết nối những người yêu hát xẩm và lan tỏa giá trị của nghệ thuật xẩm đến cộng đồng.
Từ chiếu xẩm ở chợ Đồng Xuân, nhiều địa chỉ trình diễn hát xẩm khác đã ra đời trên địa bàn thành phố cùng sự xuất hiện của các nhóm, câu lạc bộ. Đặc biệt, dịp cuối tuần, công chúng có thể thưởng thức xẩm miễn phí ở nhiều địa điểm khác nhau trong khu phố cổ như khu vực tượng đài vua Lê Thái Tổ, Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 Đào Duy Từ)...
Theo PGS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, để nghệ thuật hát xẩm phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong đời sống, rất cần sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức văn hóa - nghệ thuật, quỹ văn hóa, các nhà tài trợ và đặc biệt là trách nhiệm của những nghệ nhân, cộng đồng yêu mến hát xẩm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và hỗ trợ việc duy trì, phát triển các câu lạc bộ, nhóm hát xẩm, các trung tâm văn hóa có sinh hoạt hát xẩm. Đây chính là sân chơi cởi mở và linh hoạt để các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu thích xẩm có thể sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu, trao truyền, phổ biến xẩm.
Về phía Thành phố Hà Nội, ngoài tạo điều kiện để các câu lạc bộ, các nhóm có “đất” diễn, tháng 12-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, các câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sẽ được Thành phố hỗ trợ kinh phí để hoạt động.
Tuy nhiên, các câu lạc bộ này phải bảo đảm một số điều kiện nhất định, như là phải đáp ứng các tiêu chí theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 của Chính phủ quy định về việc Tổ chức, hoạt động và quản lý Hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 quy định về việc Tổ chức, hoạt động và quản lý hội và các văn bản hướng dẫn thi hành. Xét theo tiêu chí này, hiện chưa có câu lạc bộ hát xẩm nào có thể đáp ứng.
Do đó, bên cạnh sự chủ động của nghệ nhân, các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần hỗ trợ để các câu lạc bộ, các nhóm hát xẩm hoàn thành các thủ tục để có thể được nhận sự hỗ trợ cần thiết.