Từ trái tim đến trái tim
Thơ Nguyễn Thanh Ứng ưa vân vi, ngẫm ngợi và thiên về trực cảm, thêm nữa, lại chân thành, bộn bề cảm xúc. Và trên cái nền và thế mạnh ấy mà có thêm đà để chuyển động và phát tiết, thăng hoa.
Đối với người làm thơ, những phẩm chất ấy là rất đáng quý, nếu như không muốn nói là đáng quý nhất. Không có sự chân thành, không có cảm xúc... không có thơ. Có lẽ đây là xuất phát ban đầu nhưng cũng rất tiên quyết của thơ nói riêng và văn chương nói chung.
Thơ Nguyễn Thanh Ứng cũng như con người ông thật dung dị và dễ gần. Người đọc dễ dàng nhận ra điều ấy qua các tập thơ của ông đã xuất bản trong những năm gần đây như “Trăng về thành phố”, “Chim phố”, “Nhớ quê” và “Lời thuyền”.
Là người giàu năng lượng về mặt tâm cảm, Nguyễn Thanh Ứng luôn quan tâm đến những người thân yêu của mình. Có thể coi đây là mối quan tâm thường trực của ông. Đây là hình tượng người cha của ông qua “Thương cha”: “Lẻ loi pha lẫn ngậm ngùi/ Một mình ở giữa đất trời u minh”. Đây là hình ảnh người mẹ của ông trong những năm tháng tản cư với đức hy sinh vô bờ bến qua “Nhớ mẹ”: “Mẹ gánh con lên như đu võng/ Như gánh đời mình những tháng năm”. Đọc bốn câu thơ này, độc giả dễ dàng hình dung ra nỗi niềm và thân phận của người cha và sự chịu đựng, đức hy sinh lớn lao của người mẹ.
Mặt khác, thơ Nguyễn Thanh Ứng cũng như cuộc đời ông, nhiều sóng gió và từng trải. Với ông, cuộc đời là những chia tay, hò hẹn, đến và đi, đi và đến không ngừng ở cái nơi mà người đời đặt tên rất chung là “bến”.
Vượt qua sự thử thách của thời gian và những rạn nứt, giằng xé được - mất, nhưng rốt cục, quan trọng vẫn là: “Tôi nổi lên trong khúc sông yên/ Hát bài ca sóng nước/ Bài ca những cái đã qua/ Bài ca những gì sắp đến.../ Trong đậm đà hạt hạt phù sa/ Ngày lại ngày/ Con thuyền tôi/ Tới bến”.
“Tới bến” là một ý tưởng hay, vừa quyết liệt, vừa hết mình. Và ở đời, sống “tới bến” được trong mọi chuyện, mọi nơi, mọi lúc mà trong tâm thức “ngày lại ngày”, cũng chẳng dễ dàng gì!
Tôi chưa từng thấy một người làm thơ nào nhìn biển lạ và lý giải vì sao lúc nào biển cũng đầy sóng như Nguyễn Thanh Ứng trong “Lý giải”. Biển mênh mông là do suối, do sông tự nhiên đổ nước về. Và vì biển là nơi thấp nhất nên sạch, bẩn, hay, dở đều đổ vào chỗ mênh mông ấy. Nhưng sự đột biến của tứ thơ lại nằm ở 4 câu cuối nhiều ngẫm nghĩ, mang giá trị phát hiện: “Biển thành nơi chứa đựng/ Biển thành nơi chịu đựng”. Vì thế biển luôn đầy sóng và “Lòng không mấy khi yên”.
Như vậy, nếu biển là đối tượng của nhận thức, của phản ánh, thì mỗi người, thông qua lăng kính chủ quan của mình lại có cách nhìn và lối cảm nhận khác nhau. Cách nói này rất thuyết phục nếu áp vào văn bản cụ thể.
Trước Nguyễn Thanh Ứng nhiều năm, nhà thơ lớn người Nga A. Blok (1880 - 1921) từng đã có cách nhìn về biển rất khác lạ. Với ông, biển rất ích kỷ, là nơi đón nhận mọi dòng chảy nhưng chỉ giữ cho riêng mình. Bài thơ viết về biển của A. Blok đã tạo ra sự khác biệt và được đánh giá cao.
Viết về tình yêu, Nguyễn Thanh Ứng có hai câu thơ lạ, đầy băn khoăn trong “Con đường tình yêu”: “Tằm rút ruột tơ còn vương/ Làm sao đi hết con đường tình yêu!”.
“Tằm rút ruột tơ còn vương” thì ai cũng biết, nhưng con đường tình yêu là con đường cả đời đi không hết thì không phải bất kỳ ai cũng biết đến, nghĩ đến. Chỉ những người yêu nhau thực sự, yêu nhau hết mình mới trải nghiệm được điều đó. Như thế cũng có nghĩa, tình yêu là vô cùng, vô tận. Và nhìn chung khi làm thơ, nhà thơ Nguyễn Thanh Ứng đã chọn một con đường ngắn nhất đến với độc giả - đó là con đường mang tên “từ trái tim đến trái tim".