Văn học, nghệ thuật Hà Nội - Thừa Thiên Huế - TP Hồ Chí Minh: Góp sức xây dựng, phát triển đất nước, con người Việt Nam
Ngày 21-3, tại Hà Nội, hội thảo “Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” đã ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết của giới văn nghệ sĩ về nền văn học, nghệ thuật ba trung tâm lớn của đất nước.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đăng cai, thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Chung nguồn cảm hứng
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định, trong dòng chảy của văn học nghệ thuật Việt Nam, văn học, nghệ thuật Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ và phát huy vai trò là dòng chủ lưu sáng tạo, liên tục điều chỉnh, bổ sung, khẳng định, bám sát với hiện thực đời sống xã hội của địa phương và đất nước.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt trong tình hình hiện nay, trước những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống, với những vấn đề mới, yêu cầu mới và nhu cầu mới của công chúng, văn học, nghệ thuật của 3 địa phương càng phải phát huy vai trò hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu quả lao động sáng tạo nghệ thuật. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện nền văn học, nghệ thuật của Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất, đánh giá những thành tựu, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm để đề ra nhiệm vụ giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật của 3 địa phương nói riêng và đất nước nói chung trong giai đoạn tiếp theo.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, gần 50 năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật 3 tỉnh, thành phố nói riêng và cả nước nói chung tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới. Đời sống văn học, nghệ thuật 3 địa phương ngày càng sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện.
Hội thảo “Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” được tổ chức vào thời điểm vừa tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nên rất thiết thực và cần thiết.
Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề về văn học; sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian; âm nhạc; điện ảnh; mỹ thuật… của Hà Nội - Thừa Thiên Huế - thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất; sáng tạo nghệ thuật trong cơ chế thị trường; những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển văn học, nghệ thuật ba địa phương; sự trao đổi, chia sẻ, kết nối, hợp tác hoạt động văn học, nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Văn học nghệ thuật 3 địa phương…
Các đại biểu tại hội thảo đều khẳng định, sau ngày đất nước thống nhất, văn học, nghệ thuật của Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh đều chung cảm hứng về ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển địa phương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chung sức tạo sự bứt phá
Khẳng định văn học, nghệ thuật Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh có những bước phát triển đầy ấn tượng sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế đánh giá, nền văn học, nghệ thuật của ba địa phương có sự giao thoa, hội nhập và ngày càng phát triển.
Những năm 1975-1985, nền văn học, nghệ thuật bước ra khỏi chiến tranh tiếp tục âm hưởng sử thi của 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Từ sau năm 1986, không khí đổi mới thổi vào đời sống văn nghệ, nhiều tác giả tiêu biểu là hội viên của các hội văn học nghệ thuật thuộc ba tỉnh, thành phố xuất hiện, đủ khả năng vươn tầm thế giới.
"Những năm gần đây, với nhiều vận hội mới đang mở ra, văn học, nghệ thuật nước nhà nói chung và của ba địa phương nói riêng có những cơ hội mới để phát triển hơn, hội nhập với thế giới sâu rộng hơn qua nền tảng công nghệ số…", nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc nói.
Về sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian của ba tỉnh, thành phố, PGS.TS Trần Thị An, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, đang có những khởi sắc khi áp dụng hài hòa phương pháp nghiên cứu truyền thống và các phương pháp nghiên cứu mới, liên ngành nhằm chung tay gìn giữ và phát huy vốn văn nghệ dân gian, đóng góp lớn cho bảo tồn văn hóa truyền thống ở các địa phương, trong đó có những di sản văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và được UNESCO ghi danh.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thị An cũng chỉ ra sự chưa tương đồng trong mô hình hoạt động tổ chức hội văn nghệ dân gian tại 3 địa phương, dẫn đến sự thiếu liên kết, ít sự phối hợp giữa các địa phương để thực hiện những công trình nghiên cứu lớn, giá trị.
Trong hoạt động văn học, nghệ thuật của ba địa phương, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh giao lưu, hội thảo, văn nghệ sĩ của Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và thành phố Hồ Chí Minh cần chung tay sáng tạo, cùng đóng góp nguồn lực thực hiện những công trình văn học, nghệ thuật chung, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng hiện nay…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những đề tài văn học, nghệ thuật mà văn nghệ sĩ ba địa phương cần hướng tới sáng tác; việc tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ các địa phương giao lưu, cùng sáng tạo. Các ý kiến cũng khẳng định, bên cạnh nỗ lực của văn nghệ sĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội đoàn thể cần tạo điều kiện và chăm lo phát triển văn học, nghệ thuật địa phương; đầu tư nguồn lực để văn nghệ sĩ Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh chung tay, góp sức sáng tạo, tạo sự bứt phá cho văn học, nghệ thuật nước nhà, góp phần xứng đáng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.