Trung Quốc phóng vệ tinh lên quỹ đạo chuyển tiếp Trái đất - Mặt trăng
Theo Tân Hoa xã, ngày 20-3, Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, nước này đã phóng một vệ tinh chuyển tiếp mới để cung cấp dịch vụ liên lạc giữa trái đất - mặt trăng.
Tên lửa Trường Chinh-8, mang theo vệ tinh Thước Kiều 2, đã được phóng lên không gian lúc 8h31 (giờ địa phương) từ bãi phóng Văn Xương ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, phía Nam Trung Quốc. Đây là một bước quan trọng nhằm phục vụ các sứ mệnh thám hiểm mặt trăng trong tương lai của Bắc Kinh như việc lấy các mẫu từ phía xa của mặt trăng. Hơn 20 phút sau khi được phóng lên không gian, vệ tinh Thước Kiều 2 đã tách khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo chuyển tiếp trái đất - mặt trăng theo kế hoạch. CNSA cho biết, các tấm pin mặt trời và ăng ten liên lạc của vệ tinh Thước Kiều 2 đã được mở ra.
Thông thường, mặt gần của mặt trăng luôn hướng về trái đất. Điều đó có nghĩa là không thể truyền dữ liệu từ mặt xa vì không có đường ngắm trực tiếp. Vệ tinh Thước Kiều 2 đóng vai trò chuyển tiếp cho giai đoạn 4 trong chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc. Vệ tinh này sẽ cung cấp dịch vụ liên lạc cho các sứ mệnh Thường Nga (Chang'e) 4, 6, 7 và 8. Vệ tinh Thước Kiều 2 có tuổi thọ được thiết kế ít nhất 8 năm và sẽ tiếp nối Thước Kiều 1, được phóng vào năm 2018, có tuổi thọ thiết kế là 5 năm. Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình thám hiểm mặt trăng và nước này dự kiến đưa người lên hành tinh này trước năm 2030.