Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội:Tạo bước chuyển mạnh mẽ
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng được thành phố Hà Nội quan tâm triển khai những năm gần đây và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng về giá trị và ngày càng bền vững hơn. Đây là tiền đề, động lực để Hà Nội tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tạo bước chuyển mạnh mẽ, hướng đến những mục tiêu tăng trưởng cao hơn.
Giữ đà tăng trưởng
Những năm qua, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tạo ra một bức tranh mới cho nông nghiệp Thủ đô. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, tái cơ cấu giúp ngành Nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng trong nhiều hoàn cảnh khó khăn. Cơ cấu nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 90,44%; thủy sản 9,29%; lâm nghiệp 0,27%. Hà Nội hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Cơ cấu giống cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng cường sử dụng giống có chất lượng cao, giá trị cao, thay thế dần các giống chất lượng thấp, không phù hợp.
“Cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, nhóm giống lúa chất lượng, lúa nếp chiếm 65,5% diện tích gieo trồng. Diện tích sản xuất hoa, cây cảnh tăng và diện tích gieo trồng hoa chất lượng cao đạt hơn 30% diện tích. Các vùng trồng đã được cấp mã số, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin.
Đối với chăn nuôi, Hà Nội cũng cơ cấu lại theo vùng, tập trung phát triển đàn lợn, trâu, bò theo hướng công nghệ cao và gắn với chuỗi. Chăn nuôi Hà Nội thiên về sản xuất con giống, chuyển giao công nghệ, tạo giá trị gia tăng.
Một sự chuyển dịch đáng ghi nhận, đó là lĩnh vực thủy sản. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa thông tin, mặc dù thủy sản chỉ chiếm 9,29% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, song nhờ tích cực chuyển đổi, năm 2023, giá trị sản xuất thủy sản của thành phố lên tới 3.566 tỷ đồng, tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng ghi nhận, sản xuất thủy sản thiên về các giống giá trị, khai thác hiệu quả từ các vùng trũng cũng như ao, hồ.
Đánh giá về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, bức tranh nông nghiệp Hà Nội đã rõ hình hài trong bối cảnh, điều kiện mới. Với quỹ đất sản xuất nhỏ, manh mún, nông nghiệp phát triển trong điều kiện đô thị, thì đây là những thách thức, song cũng là lợi thế, nếu biết khai thác. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền chỉ rõ, nông nghiệp Thủ đô phải có điểm khác biệt, đó là nền nông nghiệp công nghệ, chất xám và dịch vụ nông nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Tiếp tục phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tạo bước chuyển mạnh mẽ, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử; trong đó, lợi thế lớn nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian qua, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp luôn bám sát theo quy hoạch vùng, quy hoạch chung để phát triển và đây là cách làm xuyên suốt của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Xuân Đại cũng nhấn mạnh, với những điều chỉnh quy hoạch chung phát triển Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) có những điều khoản mới, nông nghiệp Hà Nội sẽ được định hướng rõ nét và bứt phá.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hậu (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp của Hà Nội chỉ chiếm từ 4-6% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Đây chính là nút thắt, làm cho nông nghiệp Thủ đô khó có thể bứt phá, dù có tiềm năng khá lớn. Do vậy, tái cơ cấu là cách để thu hút đầu tư cho nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, tạo giá trị lớn, phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô cần phù hợp với điều kiện phát triển mới; trong đó quy hoạch, thị trường, công nghệ số là những giải pháp mang tính quyết định. Hà Nội không đi sâu vào sản xuất tràn lan, mà có trọng tâm, trọng điểm. “Ngành Nông nghiệp phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với tình hình thực tế theo hướng hữu cơ, hài hòa với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng những sản phẩm cây trồng, dịch vụ, công nghệ gắn với nhu cầu và phục vụ phát triển đô thị, phù hợp với tính chất, đặc điểm khu vực đô thị, khu vực ven đô; đồng thời, phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp trong đô thị”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.