Nghệ sĩ piano Nguyễn Thị Mỹ Dung: Tiếng đàn xoa dịu những tâm hồn thơ trẻ
Nghệ sĩ piano Nguyễn Thị Mỹ Dung, hiện là giảng viên khoa Piano giao hưởng, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội.
Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, chị còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc truyền cảm hứng cho trẻ em như “Chuyện của Mây”, “Giai điệu của bé” hay các chương trình biểu diễn mang tính cộng đồng. 3 năm gần đây, Mỹ Dung là người tổ chức chương trình nghệ thuật “Viết tiếp ước mơ”, cùng các nghệ sĩ và những người yêu nhạc góp một phần tâm sức động viên các em nhỏ đang mắc bệnh hiểm nghèo với mong muốn mang tiếng đàn xoa dịu những tâm hồn thơ trẻ kém may mắn.
- Mỹ Dung thân mến, có lẽ đến bây giờ chương trình hòa nhạc “Viết tiếp ước mơ” tổ chức tháng 12-2023 vừa qua vẫn còn dư âm với bạn, bởi tôi được biết đây là sự kiện nghệ thuật mà Dung ấp ủ trong nhiều năm?
- Chương trình hòa nhạc “Viết tiếp ước mơ” với chủ đề “Đông ấm” là sự kiện nghệ thuật thiện nguyện mà Mỹ Dung đã chuẩn bị gần 3 năm, được Nhà thờ Cửa Bắc (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) hỗ trợ toàn bộ về địa điểm, các nghệ sĩ tham gia bằng cả tấm lòng mà không lấy thù lao. Đây là chương trình phi lợi nhuận, không bán vé, mở cửa chào đón tất cả mọi người đến thưởng thức và lan tỏa âm nhạc cổ điển.
Khởi đầu là những chương trình hòa nhạc nhỏ, cho đến năm 2023 chúng tôi mới tổ chức được một chương trình quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi cùng 500 khán giả đến thưởng thức âm nhạc. Mọi người đã chung tay đóng góp 66 triệu đồng ủng hộ cho Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện K Tân Triều, hỗ trợ đóng viện phí cho các em nhỏ đang mắc bệnh hiểm nghèo. Tính đến nay, hòa nhạc “Viết tiếp ước mơ” đã tổ chức được 2 concert nhỏ, 1 chương trình hòa nhạc lớn.
- Hành trình biểu diễn thiện nguyện có lẽ đã để lại trong Mỹ Dung những câu chuyện khó quên?
- Có một chương trình biểu diễn mà Mỹ Dung xúc động nhất, cũng là chương trình đã cho tôi những nung nấu về việc tổ chức hòa nhạc thiện nguyện, đó là khi tôi tham gia biểu diễn tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2022.
Trong không gian đang rất náo nhiệt, một chị trong Ban tổ chức đã ghé vào tai Mỹ Dung và nói: “Cảm ơn em đã đem chương trình đến với các con. Với chúng ta thì âm nhạc cổ điển không quá xa lạ, có thể nghe nhiều dịp. Nhưng với các con, có thể đây là lần đầu tiên, nhưng cũng có thể là lần cuối cùng”.
Câu nói của chị làm cho tôi ngưng lại trong phút giây ấy. Có lẽ sự vui nhộn, náo nhiệt, sự hồn nhiên của các em trong khoảnh khắc nào đó khiến mình quên đi hoặc không để ý đến những nỗi buồn bên trong. Lúc ấy, tôi đã lắng lại nhìn những em bé, trên tay gắn đầy kim truyền mà vẫn nô đùa vui vẻ. Có một em bé ngồi lặng một góc trên xe lăn nhìn những bạn nhỏ đang chạy nhảy. Vẻ mặt em kiên cường nhưng có lẽ bên trong là nỗi buồn sâu thẳm. Tôi được biết cô bé ấy bị u não. Tôi đã tặng em một con gấu bông, sau đó em đã nhờ bố mẹ đưa lên phòng luôn. Từ đó, tôi quyết tâm tổ chức chương trình nghệ thuật “Viết tiếp ước mơ”. Mặc dù số tiền ủng hộ cho các em chưa nhiều nhưng tôi tin nó đến kịp thời, đúng lúc.
- Trong hành trình đã qua cũng như hành trình phía trước, Mỹ Dung sẽ mang tình yêu của mình với cây đàn piano để lan tỏa đến mọi người, đến các em nhỏ?
- Piano với Dung là hơi thở, là sự gắn bó từ thơ bé, cùng trải qua mọi cung bậc cảm xúc, chông gai trên con đường âm nhạc rất dài. Hằng ngày tôi chơi đàn, có khi tập luyện 8 - 10 tiếng liên tục để chuẩn bị cho những chương trình nghệ thuật, cộng thêm việc giảng dạy cho các em học sinh... dường như cây đàn đã trở thành một người bạn tri kỷ. Tôi thường hay lo xa, chỉ mong khi mình về già, vẫn đủ sức khỏe để tiếp tục chơi đàn. Và tiếng đàn cũng như sợi dây kết nối tôi với mọi người.
Chương trình hòa nhạc “Viết tiếp ước mơ” không bán vé, không nhận quyên góp bằng tiền mặt, các khán giả sẽ quét mã QR. Sự đóng góp của các khán giả, các nghệ sĩ và các mạnh thường quân sẽ được chuyển về tài khoản Bệnh viện, chia thành nhiều khoản viện phí khác nhau, sau đó trao các biên lai viện phí cho các em để các em bớt đi phần nào chi phí điều trị.
- Vừa tham gia công tác giảng dạy, đồng thời là Bí thư Đoàn trường, lại vừa tổ chức chương trình nghệ thuật thiện nguyện, khởi xướng và duy trì các câu lạc bộ tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, có khi nào Mỹ Dung cảm thấy đang phải gồng mình lên?
- Chỉ cần mình có sức khỏe, có tinh thần tốt thì mình sẽ làm được! May mắn là Mỹ Dung có sự giúp đỡ từ gia đình, tạo cho mình nhiều cơ hội để làm việc, trải nghiệm và sáng tạo. Tôi cũng may mắn được làm việc với các đồng nghiệp gắn bó với mình lâu năm, có các học trò luôn dành cho mình tình yêu, sự trân trọng. Đó là động lực giúp tôi thêm gắn bó, thêm sức mạnh để làm việc, để cống hiến.
Cuối năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức chương trình hòa nhạc “Viết tiếp ước mơ” trên quy mô lớn vào tháng 12. Các nghệ sĩ đang có những ý tưởng kết hợp, sáng tạo mới mẻ để âm nhạc cổ điển gần gũi hơn với người nghe. Chúng tôi sẽ kết hợp opera với dàn nhạc theo hơi hướng mới là pop classic sao cho âm nhạc cổ điển không quá khô khan, không quá hàn lâm nữa, để mọi người dễ cảm nhận, dễ thưởng thức. Đây cũng chính là những thử nghiệm mới của các nghệ sĩ âm nhạc cổ điển.
- Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ piano Nguyễn Thị Mỹ Dung!