Trường đại học cần chọn phương thức xét tuyển công bằng với thí sinh
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cần chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp và công bằng với thí sinh.
Theo ghi nhận thực tế, khoảng trước kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, hầu hết thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm đều nhập học và trở thành sinh viên. Tuy nhiên, năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển sớm xác nhận nhập học có chiều hướng giảm.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm 2023, số cơ sở giáo dục đại học có xét tuyển sớm là 214/322 trường. Số thí sinh trúng tuyển sớm là hơn 375.500. Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (trúng tuyển sau lọc ảo) là hơn 147.300 em. Số liệu này khiến nhiều người đặt câu hỏi và có phần nghi ngại về các phương thức xét tuyển sớm.
Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, kết quả tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỷ lệ lớn nhất - 49,45%; tiếp đến là phương thức sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông 30,24%; xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là 2,57%; xét tuyển thẳng theo đề án của các trường là 2,32%...
Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng học bạ cấp trung học phổ thông; bằng việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...
Thông tin từ các trường phổ thông trên địa bàn thành phố cho biết, các nhà trường luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh có hồ sơ, dữ liệu đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, các nhà trường cũng khuyến cáo học sinh cần duy trì tốt việc học tập. Thực tế những năm trước, nhiều học sinh nhận thông báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nên có tâm lý chủ quan, lơ là học tập dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông không tốt. Trong khi đó, một trong những điều kiện tiên quyết để chính thức trúng tuyển đại học là phải tốt nghiệp trung học phổ thông.
Để bảo đảm chất lượng tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đánh giá, đối sánh, phân tích tương quan kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh. Bộ cũng đề nghị các trường bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả, có thể gây khó khăn, rắc rối với thí sinh.