Pakistan tiến gần hơn đến gói hỗ trợ 1,1 tỷ USD của IMF
Reuters ngày 20-3 dẫn nguồn tin từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, Pakistan và tổ chức cho vay toàn cầu đã đạt được thỏa thuận cấp chuyên viên, nếu được Ban điều hành chấp thuận, sẽ giải ngân 1,1 tỷ USD cho nền kinh tế Nam Á đang chìm trong khủng hoảng.
Khoản tiền này là đợt cuối cùng trong gói giải cứu trị giá 3 tỷ USD để hỗ trợ chương trình “bình ổn kinh tế” mà Pakistan đã được IMF phê duyệt vào mùa hè năm ngoái, nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ chính phủ. Islamabad cũng đang tìm kiếm một gói cứu trợ dài hạn khác.
IMF cho biết trong một tuyên bố: “IMF đã đạt được thỏa thuận cấp chuyên viên với chính quyền Pakistan về đợt đánh giá thứ hai và cũng là lần cuối cùng về chương trình ổn định của Pakistan. Thỏa thuận này phải được sự chấp thuận của Ban điều hành IMF", tuyên bố nêu rõ.
Thỏa thuận này được đưa ra sau khi phái đoàn IMF tổ chức 5 ngày đàm phán với quan chức Pakistan để xem xét các tiêu chuẩn hợp nhất tài chính được đặt ra cho khoản vay. Hầu hết trái phiếu giao dịch bằng đồng USD tại Pakistan đều cao hơn trong ngày 20-3 sau khi thỏa thuận được công bố.
Bộ trưởng Tài chính Pakistan Muhammad Aurangzeb nói rằng, Islamabad sẽ tìm kiếm một gói cứu trợ dài hạn khác. Chính phủ chưa chính thức công bố quy mô của nguồn tài trợ bổ sung mà họ đang tìm kiếm thông qua chương trình tiếp theo, tuy nhiên Bloomberg đưa tin vào tháng 2 rằng Pakistan đã lên kế hoạch tìm kiếm một khoản vay mới trị giá ít nhất 6 tỷ USD.
Pakistan đang chứng kiến một nền kinh tế nợ nần, khủng hoảng cán cân thanh toán, lạm phát ở mức 23%, lãi suất chính sách ở mức 22% và sự mất giá kỷ lục của đồng nội tệ.
Trước khi đạt được thỏa thuận, Pakistan phải đáp ứng các điều kiện của IMF gồm sửa đổi ngân sách và tăng lãi suất, tạo nguồn thu thông qua nhiều loại thuế hơn và tăng giá điện và khí đốt, điều này khiến lạm phát tăng cao.