Thế giới

Căng thẳng leo thang giữa Afghanistan và Pakistan: Nam Á ngày càng bất ổn

Quỳnh Dương 20/03/2024 - 07:42

Căng thẳng bất ngờ leo thang giữa Afghanistan và Pakistan trong 2 ngày qua khi quân đội hai bên tiến hành các cuộc đột kích và bắn súng vào lãnh thổ của nhau. Những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực đang làm gia tăng mối lo ngại rằng, mâu thuẫn âm ỉ giữa hai nước kéo dài hơn 2 năm qua sẽ bùng phát thành xung đột vũ trang, khiến khu vực Nam Á ngày càng trở nên bất ổn.

cang-thang-tai-khu-vuc-bien.jpg
Căng thẳng tại khu vực biên giới Afghanistan và Pakistan leo thang trong những ngày qua.

Căng thẳng bùng lên sau khi Pakistan tiến hành 2 cuộc đột kích trong đêm 17-3 nhằm vào các vị trí bên trong lãnh thổ Afghanistan. Pakistan cho rằng, cuộc đột kích nhắm vào các vị trí nghi là nơi ẩn náu của chỉ huy nhóm phiến quân Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) tại các tỉnh Khost và Paktika. Tuy nhiên, chính quyền Taliban tại Afghanistan đã cáo buộc Islamabad tấn công, xâm phạm lãnh thổ khiến 5 phụ nữ và 3 trẻ em thiệt mạng; đồng thời khẳng định, Afghanistan không cho phép sử dụng lãnh thổ nước này nhằm mục đích gây tổn hại an ninh quốc gia khác. Afghanistan đã trả đũa bằng cách sử dụng vũ khí hạng nặng bắn vào các lực lượng Pakistan ở khu vực dọc theo biên giới hai nước.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đột kích của Pakistan có thể liên quan đến vụ tấn công liều chết xảy ra hai ngày trước, do nhóm Jaish-e-Fursan-e-Muhammad, một nhánh của TPP thực hiện ở Bắc Waziristan (Pakistan). Tuy nhiên, trên thực tế, tranh cãi giữa hai nước đã gia tăng kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan vào tháng 8-2021. Islamabad thường xuyên lên tiếng cáo buộc chính phủ Taliban đứng đằng sau hoạt động của TTP - nhóm thực hiện các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên tại Pakistan. Năm 2023 được cho là năm đẫm máu với quốc gia này khi có tới hơn 650 vụ tấn công trên khắp đất nước, khiến gần 1.000 người thiệt mạng, hầu hết là nhân viên an ninh. Còn tính từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan tới nay, 2.867 người Pakistan đã thiệt mạng.

Kể từ khi thành lập vào năm 2007, TTP đặt mục tiêu lật đổ chính quyền thế tục của Pakistan nhằm thiết lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo và củng cố Luật Sharia thông qua các hành động khủng bố tương tự như quá trình mà Taliban tiến hành ở Afghanistan. TTP lấy định hướng tư tưởng từ nhóm khủng bố Al-Qaeda, còn các phần tử của Al-Qaeda dựa một phần vào TTP để trú ẩn an toàn ở các khu vực dọc theo biên giới Afghanistan - Pakistan. Thỏa thuận hợp tác giữa hai nhóm khủng bố cho phép TTP tiếp cận vào cả mạng lưới toàn cầu của Al-Qaeda, tạo nên những nguy cơ mới cho khu vực Nam Á.

Dù chính quyền Taliban ở Afghanistan khẳng định, không cho phép các nhóm khủng bố sử dụng nước này làm bàn đạp tấn công các nước láng giềng, song tổ chức này chưa có bước đi rõ ràng và cụ thể nào để trấn áp TTP, Al-Qaeda. Sự thờ ơ đó có thể lý giải được bởi các nhóm này từng sát cánh chiến đấu với Taliban chống lại lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đánh bại chế độ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tiền nhiệm.

Theo các nhà phân tích, lý do thứ hai cho việc Taliban không có hành động nào chống lại các nhóm khủng bố trên vì tổ chức này muốn sử dụng các lực lượng đó làm công cụ mặc cả để thiết lập và quản lý quan hệ với các nước láng giềng. TTP cũng được Taliban sử dụng theo hướng đó để gây ảnh hưởng với Pakistan.

Cuộc đột kích của quân đội đêm 17-3 cùng những tuyên bố cứng rắn gần đây của chính quyền Pakistan cho thấy, Islamabad đang dần mất kiên nhẫn. Thời gian tới, Pakistan nhiều khả năng sẽ thực hiện một chiến dịch gây áp lực rộng hơn để buộc Taliban xem xét và thu hồi sự ủng hộ của họ đối với TTP. Một trong những bước đi được tính đến là Pakistan sẽ sử dụng các mối quan hệ kinh tế và thương mại để gây ra tổn thất cho Taliban. Pakistan sẽ không ủng hộ các hồ sơ liên quan tới Taliban ở cấp độ quốc tế, thậm chí bao gồm việc không công nhận chính phủ do Taliban lãnh đạo tại Afghanistan và hạ cấp quan hệ với Taliban.

Ở chiều ngược lại, giới lãnh đạo Taliban coi các cuộc tấn công của TTP là vấn đề nội bộ của Pakistan. Chiến dịch gây áp lực của Pakistan sẽ khiến mối quan hệ Taliban với Pakistan có chiều hướng xấu đi trong tương lai. Bộ trưởng Quốc phòng chính quyền Taliban Mohammad Yaqub đã từng cảnh báo rằng, Pakistan nên lưu tâm đến “hậu quả” từ các quyết định của mình và “họ sẽ gặt những gì mình đã gieo”.

Nói một cách khác, đây là chương mới nhất trong căng thẳng kéo dài giữa Pakistan và Afghanistan, liên quan đến TTP. Một số chuyên gia nghiên cứu về các nhóm vũ trang ở Nam và Trung Á cảnh báo, trừ khi các kênh ngoại giao được kích hoạt, căng thẳng giữa hai nước có thể sẽ leo thang một cách đáng lo ngại trong những tuần tới.