Nông nghiệp

Hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế

Sơn Tùng 20/03/2024 - 06:56

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Ba Vì đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học, kỹ thuật để phát triển các mô hình nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nông dân trên địa bàn huyện yên tâm, phấn khởi bám đồng ruộng, xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao.

mo-hinh-trong-dua-chuot-vu-.jpg
Mô hình trồng dưa chuột vụ xuân tại xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng khoai tây vụ đông xuân gắn với việc xuống giống rải vụ tại các xã: Phú Phương, Phú Cường, Tản Hồng… đã giúp nông dân trên địa bàn có thêm thu nhập. Vụ đông xuân 2023-2024, nông dân xã Phú Phương đã thí nghiệm trồng 12ha khoai tây theo mô hình liên kết, mở hướng đi mới và nâng cao thu nhập cho người dân. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, đến nay, nông dân xã Phú Phương đã thu hoạch xong khoai tây vụ đông xuân. Trung bình mỗi héc ta, nông dân xã Phú Phương thu được khoảng 14 tấn khoai, trừ chi phí còn lãi từ 80 đến 95 triệu đồng/ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Phương Phùng Văn Chính khẳng định, do được hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm, nên nông dân trên địa bàn xã đã không để đất bãi bỏ hoang, chán đồng ruộng như trước.

Trong khi nông dân nhiều xã ven sông Hồng “hứng khởi” với mô hình khoai tây, cho thu nhập cao, thì nông dân các xã ven sông Đà lại chọn dưa chuột làm cây chủ lực để đầu tư sản xuất chuyên canh. Là hộ trồng dưa lâu năm tại thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, anh Trương Quốc Toán chia sẻ: “Giá dưa chuột từ đầu vụ đến nay dao động từ 12.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Với giá như hiện nay, bà con nông dân được mùa, được giá, rất phấn khởi”.

Không chỉ tập trung sản xuất những cây rau màu ngắn ngày, nông dân Ba Vì cũng tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Ngoài ra, vụ xuân năm nay, nông dân 20 xã trên địa bàn huyện Ba Vì còn tham gia mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Con nai vàng. Bà Nguyễn Thị Hường, hội viên nông dân xã Cổ Đô tham gia mô hình cho hay, qua đánh giá sơ bộ diện tích làm điểm bón lót bằng sản phẩm phân hữu cơ Con nai vàng, cây lúa phát triển tốt, trên ruộng không xuất hiện rong rêu, không có ốc bươu vàng, không bị sâu bệnh.

Đặc biệt, các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt trên địa bàn ngày càng nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình của hộ bà Phùng Thị Thơ, hội viên nông dân Chi hội Vật Lại, xã Vật Lại với mô hình vườn, ao, chuồng khép kín, quy mô 12ha; trong đó có 1ha nuôi trồng thủy sản, hơn 1.000 cây bưởi Diễn và hơn 25 vạn gốc dứa, 1.000m2 chuồng trại nuôi gà và lợn, thu nhập khoảng 3-4 tỷ đồng một năm. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của hộ bà Nguyễn Thị Hòe, ở xã Sơn Đà, với 2.100m2 chuồng nuôi 35.000 gà thịt/năm; 2,6ha vườn đồi trồng 500 gốc bưởi, mít và 1 trại bò thịt, quy mô 30 con. Nhờ phát triển trồng trọt, chăn nuôi đa canh kết hợp, mỗi năm gia đình bà Hòe có thu nhập hàng tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường cho biết, kinh nghiệm của Ba Vì là, cùng với hỗ trợ giống, kỹ thuật phải hỗ trợ về vốn. Hiện tại, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đang quản lý khoảng 100 dự án, cho hơn 2.000 hộ vay, với số tiền hơn 58 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn nhận ủy thác từ nhiều nguồn khác, với số vốn lên tới gần 700 tỷ đồng.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Ba Vì tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp để chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với từng vùng. Hội nông dân động viên nông dân sản xuất theo quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã: Đồng Thái, Phong Vân, Sơn Đà; rau an toàn, rau hữu cơ ở các xã: Minh Châu, Chu Minh, Thụy An… và trồng hoa, cây cảnh ở các xã ven sông; cây ăn quả đặc sản tại các xã vùng đồi gò, miền núi. Người dân nên phát triển khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.