Thế giới

Nhật Bản nỗ lực khởi động đối thoại mới về hiệp ước cấm vật liệu hạt nhân

Kim Phượng 19/03/2024 - 14:04

Kyodo ngày 19-3 dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết, nước này sẽ khởi động một khuôn khổ đối thoại mới để đàm phán về hiệp ước đa quốc gia cấm sản xuất vật liệu hạt nhân có khả năng được sử dụng làm vũ khí.

100639119.png
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên hợp quốc, ở New York, Mỹ. Ảnh: Kyodo

Nhật Bản đang giữ Chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luân phiên vào tháng 3. Phát biểu trong một cuộc họp ở New York (Mỹ) ngày 18-3, Ngoại trưởng Kamikawa nói: “Cộng đồng quốc tế thậm chí còn bị chia rẽ hơn về cách thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chúng ta phải thúc đẩy những nỗ lực thực tế và thiết thực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Bà Kamikawa cho biết, sáng kiến tổ chức một cuộc họp “những người bạn” cho Hiệp ước cắt giảm vật liệu phân hạch (FMCT) do Nhật Bản dẫn đầu là một “bước đi mới” nhằm hiện thực hóa “Kế hoạch hành động Hiroshima” của Thủ tướng Fumio Kishida, lần đầu tiên được nêu trong bài phát biểu của ông tại hội nghị đánh giá Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Liên hợp quốc vào tháng 8-2022.

FMCT, do Tổng thống Mỹ Bill Clinton đề xuất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1993, được thiết kế để cấm sản xuất thêm vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân, bao gồm uranium và plutonium được làm giàu cao. Tuy nhiên, đến nay văn kiện vẫn chưa được hoàn thiện do sự khác biệt sâu sắc giữa các quốc gia liên quan.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh và Pháp cũng như các quốc gia phi hạt nhân như Italia, Hà Lan, Canada, Australia, Đức, Nigeria, Philippines và Brazil sẽ tham gia các cuộc đàm phán “Những người bạn” FMCT.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường kho dự trữ hạt nhân và quân sự và mối quan ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến với Ukraine, đồng thời Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, kể từ tháng 9-2017.

“Gần 8 thập kỷ sau 2 vụ ném bom nguyên tử thảm khốc ở Hiroshima và Nagasaki, vũ khí hạt nhân vẫn là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với hòa bình và an ninh toàn cầu”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh khi đề cập vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống các thành phố của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai năm 1945.

Cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ, ông Antonio Guterres kêu gọi hội đồng chủ chốt của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh có nhiệm vụ duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và hành động hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.