Môi trường

Đông Anh đẩy nhanh xây dựng hạ tầng xử lý nước thải

Đỗ Minh 19/03/2024 8:20

Nhiều dự án xử lý nước thải đã và đang được huyện Đông Anh triển khai hiệu quả, đạt quy chuẩn đô thị...

Đạt quy chuẩn đô thị

he-thong-xly-nuoc-thai.jpg
Hệ thống xử lý nước thải công nghệ Nhật Bản được huyện Đông Anh triển khai tại các khu dân cư, làng nghề.

Để giải quyết hiệu quả vấn đề môi trường, đặc biệt là nước thải, Đông Anh đã xây dựng đề án “Hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xử lý nước thải trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo". Theo đó, các dự án được triển khai hiệu quả, đến nay hạ tầng xử lý nước thải đạt quy chuẩn đô thị...

Năm 2020, hệ thống xử lý nước thải thông minh tại nguồn, quy mô hộ gia đình được triển khai đầu tiên tại xã Việt Hùng. Hệ thống hoạt động giải quyết tối ưu vấn đề nước thải tồn tại trong khu dân cư. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Từ thành công hệ thống xử lý nước thải thông minh tại nguồn, quy mô hộ gia đình, huyện tiếp tục mở rộng tại nhiều xã, trong đó có 2 mô hình xử lý nước thải làng nghề (công nghệ lý - hóa và vi sinh), công suất 50-75m3/ngày đêm.

“Các hệ thống xử lý nước thải trên hoạt động theo nguyên lý đầu vào nước thải rồi đến song chắn rác, ngăn lắng cùng tách mỡ, ngăn điều hòa, ngăn lắng bùn sinh học, ngăn nước sạch và xả thải. Qua thời gian triển khai, hệ thống được đánh giá nước thải ra bảo đảm tiêu chuẩn đô thị; công nghệ tự động thông minh, thân thiện môi trường, dễ dàng lắp đặt và triển khai trong thực tế”, ông Tuấn thông tin.

Không chỉ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại khu dân cư, làng nghề, Đông Anh còn triển khai xử lý nước thải đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan hành chính, văn phòng, trường học trên địa bàn đạt quy chuẩn môi trường Thủ đô, quy chuẩn môi trường Việt Nam trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung. Nước thải của các cơ sở này sau đó được đấu nối vào trạm xử lý nước thải tập trung của khu vực.

nha-may-xu-ly-nuoc-thai-hien-dai.jpg
Khảo sát hệ thống xử lý nước thải tại huyện Đông Anh đưa vào hoạt động nhiều năm trước.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, để bảo đảm tiêu chí môi trường trong xử lý nước thải, UBND huyện triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu vực dân cư trên địa bàn huyện.

Các đồ án quy hoạch chi tiết đã nghiên cứu, đề xuất, làm rõ quy mô, vị trí, công suất các trạm xử lý nước thải cục bộ, đồng thời cụ thể hóa hệ thống thu gom (các tuyến cống thoát nước) trong ranh giới lập quy hoạch. Trong đó, nghiên cứu bố trí khoảng 33 trạm xử lý cục bộ trong và ngoài ranh giới đồ án, làm cơ sở đề xuất lập dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cục bộ.

Liên quan tới kế hoạch xử lý nước thải, đối với kế hoạch dài hạn, đến nay, hệ thống thu gom được đầu tư xây dựng cùng các dự án giao thông theo đề án. Trong đó, tỷ lệ đường cống thoát nước cơ bản được bổ sung, hoàn thiện đồng thời. Chiều dài đường cống thoát nước được bổ sung, cải tạo, nâng cấp tương đương chiều dài hệ thống giao thông. Về nhà máy xử lý nước thải tập trung, huyện sẽ nâng cấp tương đương chiều dài đường giao thông đầu tư xây dựng mới và cải tạo.

"UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1540/QĐ-UBND ngày 10-3-2022 giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Cổ Loa giai đoạn 1 theo quy hoạch. Dự án được lập trên cơ sở Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28-12-2021 của UBND thành phố về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết.

Quyết liệt triển khai

Với định hướng phát triển trở thành quận, đô thị trung tâm của thành phố phía Bắc Thủ đô, Đông Anh đặc biệt chú trọng vấn đề môi trường, trong đó có hoạt động xử lý nước thải. Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, thời gian tới, quá trình triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang tuyến giao thông chủ yếu, dự án cấp xã gắn liền với từng bước cải tạo hệ thống thu gom nước thải trong khu dân cư, tách nước thải sinh hoạt ra khỏi nước mưa bằng các giếng kỹ thuật; đồng thời lắp đặt, quản lý, vận hành mô hình thí điểm xử lý nước thải cho khu vực dân cư tập trung tại thôn Thiết Úng, xã Vân Hà (xã làng nghề). Trên cơ sở kết quả của mô hình thí điểm, huyện đề xuất UBND thành phố cho phép đầu tư trạm xử lý cục bộ nước thải sinh hoạt tại các cụm dân cư nhằm cải thiện môi trường, đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị, hướng tới mục tiêu xử lý khoảng 50% lượng nước thải đô thị.

phat-trien-ha-tang-gan-voi-xu-ly-nc-thai.jpg
Đông Anh triển khai các dự án đều gắn với hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, huyện sẽ hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh khẩn trương hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Trạm xử lý Cổ Loa giai đoạn 1 theo Quyết định số 1540/QĐ-UBND ngày 10-3-2022 của UBND huyện; nghiên cứu đầu tư hệ thống thu gom nước thải từ khu vực xung quanh về nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, tăng tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý...

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết, huyện tiếp tục báo cáo UBND thành phố và đề nghị các sở: Xây dựng, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản tham mưu, hướng dẫn triển khai nội dung liên quan đến quản lý, vận hành, công nghệ, cơ chế đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải cục bộ (phi tập trung) công suất trên 5000 m³/ngày, đêm để có cơ sở triển khai.

"Huyện giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng phối hợp Phòng Quản lý đô thị nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với trạm xử lý nước thải cục bộ các cụm dân cư tập trung, được xác định theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên địa bàn và trình UBND thành phố chấp thuận. Phía huyện, sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ về chính sách đầu tư đối với hệ thống xử lý nước thải cục bộ trong trường hợp đầu tư ngoài ngân sách", Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.