Giá nhiều hàng hóa nguyên liệu lên mức đỉnh
Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) sáng nay (18-3) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh. Nhiều mặt hàng tăng giá rất mạnh như: Cacao, cao su, đường, dầu đậu tương, đồng, xăng RBOB…
Sau 5 ngày liên tiếp tăng điểm, chốt tuần, chỉ số MXV-Index đã tăng 3,05%, lên 2.210 điểm, mức cao nhất trong gần 4 tháng trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở gần 6.400 tỷ đồng mỗi ngày.
Kết thúc tuần giao dịch 11-17/3, giá nhiều mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tăng rất mạnh. Đáng chú ý, giá cacao tăng vọt gần 25,4%, tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử mới tại 8.018 USD/tấn. Mức giá này đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2024 và cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu chocolate toàn cầu gia tăng mạnh, đặc biệt là ở châu Á. Tuy nhiên, mưa nhiều đã khiến hoạt động thu hoạch hạt cacao ở Ghana và Bờ Biển Ngà, hai quốc gia chiếm 60% sản lượng cacao toàn cầu, sụt giảm làm cung không đủ cầu. Tính đến ngày 10-3, lũy kế xuất khẩu cacao trong niên vụ 2023-2024 tại Bờ Biển Ngà thấp hơn khoảng 30% so với cùng kỳ vụ trước.
Ngoài ra, giá cao su RSS3 cũng lên cao nhất trong vòng 13 năm qua, với mức tăng 15,2%, còn giá đường 11 tăng thêm 4,59%.
Tuần giao dịch vừa qua, hầu hết mặt hàng trong nhóm kim loại đều tăng giá mạnh, ngoại trừ quặng sắt với mức lao dốc hơn 13%. Đối với nhóm kim loại quý, bất chấp lạm phát Mỹ đã tăng trở lại vào tháng 2 và nóng hơn dự báo đang đặt ra nguy cơ lãi suất sẽ không giảm nhiều và tạo sức ép lên giá, lực mua vẫn chiếm ưu thế rõ rệt trong phần lớn các phiên. Kết thúc tuần, giá bạc tăng 3,39%, lên 25,38 USD/ounce; bạch kim tăng 3,14%, lên 943,5 USD/ounce.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến đáng chú ý nhất thuộc về giá đồng khi leo lên vùng đỉnh 11 tháng qua trong bối cảnh nguồn cung có dấu hiệu thắt chặt. Đồng COMEX chốt tuần tăng mạnh gần 6%, lên 4,12 USD/pound.
Trái lại, giá quặng sắt bất ngờ giảm sâu hơn 13%, xuống mức đáy 7 tháng, rơi khỏi vùng 100 USD/tấn trong bối cảnh nhu cầu Trung Quốc yếu và tồn kho tăng cao.
Dữ liệu của Mysteel cho thấy, tồn kho quặng sắt tại 45 cảng lớn của Trung Quốc được khảo sát đã tăng 1%, lên khoảng 142,9 triệu tấn trong tuần kết thúc ngày 15-3. Ngoài ra, một số hiệp hội thép cấp tỉnh cũng đã đưa ra tuyên bố kêu gọi cắt giảm sản lượng thép, làm giảm nhu cầu đầu vào.