Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn lĩnh vực tài chính, ngoại giao
Sáng 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 31. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) có các Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở trung ương, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Phiên chất vấn được trực tuyến đến 62 điểm cầu tại địa phương.
Phát biểu mở đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp thứ sáu vừa qua, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 21 bộ trưởng, trưởng ngành về các vấn đề liên quan đến 21 lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề.
Theo đó, các nhóm vấn đề chất vấn bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp này đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng.
“Trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, rà soát phạm vi đã chất vấn tại kỳ họp thứ sáu và các kỳ họp, phiên họp từ đầu nhiệm kỳ, xuất phát từ tình hình thực tế, đồng thời để tạo điều kiện cho tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành đều được trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao tại phiên họp này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Điểm lại các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc 2 lĩnh vực tài chính và ngoại giao, nhấn mạnh thời gian chất vấn chỉ trong một ngày, để bảo đảm sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rõ, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng. Theo quy định, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn không quá 1 phút; thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Trong quá trình chất vấn, chủ tọa sẽ mời thêm một số thành viên Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.
Ngay sau phần mở đầu, trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.
Bốn nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính:
(1) Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
(2) Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng.
(3) Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
(4) Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Bốn nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực của Bộ Ngoại giao:
(1) Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
(2) Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.
(3) Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch.
(4) Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.