Sách, truyện tranh Việt cho giới trẻ: Hấp dẫn và giàu bản sắc
Sách, truyện tranh ngày nay không chỉ là đặc quyền của thiếu nhi mà còn dành cho độc giả trưởng thành, nhất là giới trẻ. Nắm bắt xu hướng này, nhiều tác giả Việt Nam đã có những tác phẩm hấp dẫn, thu hút giới trẻ bởi sự sống động, hiện đại và giàu bản sắc Việt.
Đa dạng, nhiều góc tiếp cận
Ngay đầu tháng 3 vừa qua, Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt 3 cuốn sách, truyện tranh với những hình thức khác nhau dành cho độc giả trẻ tuổi, đều tạo được hiệu ứng tốt. Cuốn sách tranh “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” thuộc thương hiệu sách trẻ Wings Books của Nhà Xuất bản Kim Đồng là sự kết hợp của cặp đôi tác giả Trang Neko và họa sĩ X.Lan. Những câu chuyện về học sinh những năm 2000 được kể dí dỏm, thú vị cùng tranh vẽ dễ thương, đầy hoài cổ khiến người lớn, người trẻ được sống lại khoảnh khắc thời học sinh, để từ đó bao dung, thấu hiểu hơn với trẻ em…
Cũng là tựa sách của thương hiệu sách trẻ Wings Books, truyện tranh Việt Nam “Tàn lửa” của họa sĩ Lilywiu hội tụ đủ những yếu tố của bộ truyện tranh ăn khách. Bộ truyện dự kiến gồm 7 tập, lấy bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930 khi giá trị truyền thống và tân thời giao thoa, xoay quanh 4 anh em nhà họ Chu trên một hòn đảo hư cấu. Nội dung mới lạ, yếu tố trinh thám đậm nét cùng những khung tranh truyện độc đáo được sáng tác từ họa sĩ đang theo học ngành Illustration tại Trường Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg (Đức), khiến tập 1 của bộ truyện vừa ra mắt đã tạo nên “cơn sốt” trong giới trẻ yêu thích truyện tranh.
Còn cuốn tiểu thuyết bằng tranh “Sống” rất đặc biệt khi được sáng tác bởi hai nữ tác giả Hải Anh - một người trẻ Pháp gốc Việt và Pauline Guitton - một họa sĩ Pháp. Cuốn sách khắc họa hình ảnh một cô thiếu nữ cố gắng thích nghi và hòa mình vào cuộc sống tại chiến khu và một thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình, về cội nguồn. Tuyến thời gian quá khứ lấy bối cảnh kháng chiến từ những năm 1969-1975, giúp độc giả trẻ tìm hiểu, tự hào về lịch sử dân tộc, đồng thời kết nối hai nền văn hóa Việt Nam - Pháp.
Trước đó, cuốn sách tranh “Khéo khôn với tiền - tránh những ưu phiền” sáng tạo về tài chính, tiền tệ và đầu tư của tác giả Lê Thị Thúy Sen và họa sĩ Thăng Fly ra mắt được nhiều người thích thú với kiến thức tài chính được cung cấp khéo léo thông qua lời kể dễ hiểu và hình vẽ hóm hỉnh. Hay bộ truyện tranh 100% thuần Việt “Bí ẩn Ozon” của nhóm Taqua Group mở ra thế giới có thể hấp dẫn độc giả từ 7 đến 77 tuổi. Ngoài ra, một số bộ truyện, sách tranh Việt Nam cho giới trẻ như “Long Thần Tướng” (Comicola Studio), “Gửi em” (Lê Thư), “Đường hoa” và “Mùa hè bất tận” (Lâm Hoàng Trúc), “Cuốc xe tuổi trẻ” (nhiều tác giả), “Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm” (Hoàng Tường Vy)… tạo nên thị trường phong phú.
Nhiều dư địa phát triển
Trước khi ra mắt cuốn “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy”, tác giả Trang Neko và họa sĩ X.Lan đã kết hợp thực hiện cuốn sách tranh “199 mấy - Hồi ấy làm gì?” năm 2020 rất thành công với hơn 20.000 bản sách bán ra đến nay.
Theo tác giả Trang Neko, việc lựa chọn thể hiện câu chuyện bằng lời và tranh với dung lượng tương đương gây hiệu ứng thị giác tốt hơn, đem đến trải nghiệm trọn vẹn cho người đọc. Tương tự, cuốn tiểu thuyết bằng tranh “Sống” cũng gây sức hút tại Pháp với 8.000 bản phát hành. Tác giả Hải Anh cho biết, dù được đào tạo về điện ảnh nhưng chị chọn thể hiện với hình thức tiểu thuyết bằng tranh vì đây là hình thức phát triển trên thế giới, xóa nhòa biên giới ngôn ngữ, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng.
Sách hay truyện tranh cho giới trẻ khác với cho thiếu nhi. Nội dung các cuốn sách phải đề cập những vấn đề được quan tâm của người trưởng thành, của giới trẻ hiện nay như tâm lý, giới tính, công việc, tình yêu, khởi nghiệp, thế giới tương lai... Tính hấp dẫn, kịch tính và các khung tranh cần được đầu tư hơn. Bên cạnh đó, tranh và lời phải kết hợp chặt chẽ về mặt logic, mạch truyện... Đáng chú ý là các tác giả sáng tác sách, truyện tranh Việt dành cho người trẻ hiện nay khá quan tâm đến việc khai thác các yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc vào tác phẩm.
Trong bộ truyện tranh “Tàn lửa”, tác giả Lilywiu đã tái hiện những kiến trúc nhà cổ và trang phục của người Việt gần 100 năm trước qua thiết kế bối cảnh, phục trang của nhân vật. “Ưu tiên của tôi là kể câu chuyện ý nghĩa và thú vị với người trẻ, nhưng nếu ai đó vì “Tàn lửa” mà hứng thú hơn với những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của nước ta thì quả thật là vinh dự của tôi”, tác giả Lilywiu bày tỏ.
Mảng sách, truyện tranh Việt cho giới trẻ đã sôi động dần nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn kém xa, chưa thực sự được khai thác hết tiềm năng. Song, các tác giả, họa sĩ dấn thân vào mảng sáng tác này đang có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Bên cạnh tự học, tìm tòi, gần đây có nhiều sân chơi được tổ chức cho những người yêu thích sáng tác sách, truyện tranh, như workshop truyện tranh do Viện Pháp và Viện Goethe tại Việt Nam khởi xướng năm 2022, cuộc thi sáng tác truyện tranh COMINK hằng năm, cộng đồng Comicola… Các đơn vị xuất bản cũng khuyến khích mảng sách này.
“Chúng tôi luôn ủng hộ và sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng và sự sáng tạo của các tác giả trong nước ở mảng sách, truyện tranh”, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên khẳng định.
Với dư địa, tiềm năng tốt, hy vọng mảng sách, truyện tranh dành cho giới trẻ sẽ có sức bật mạnh mẽ trong thời gian tới.