“Quả ngọt” trong xây dựng nông thôn mới
Khu vực nông thôn Hà Nội đang có những đổi thay toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Kết quả đó là nhờ thành phố đã khơi thông mọi nguồn lực đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới.
Về khu vực nông thôn Thủ đô giờ đây, hình ảnh dễ nhận thấy là đường sá đi lại thuận tiện; các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở làm việc của chính quyền địa phương, hệ thống đèn đường… đều được đầu tư khang trang, hiện đại.
Đặc biệt, những trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao hình thành đạt quy chuẩn ở khắp các miền quê, mang đến luồng sinh khí mới cho đời sống người dân khu vực nông thôn. Những công viên kết hợp hồ sinh thái, khu luyện tập thể dục thể thao ngoài trời, bể bơi, sân bóng…, trước đây dường như chỉ người dân thành thị mới được tiếp cận, thì nay đã hiển hiện ở nhiều thôn xóm, khu dân cư vùng ngoại thành.
Phải khẳng định, xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô là không có điểm dừng. Nhiều năm qua, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các địa phương (cấp huyện, cấp xã) tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu một cách đồng bộ, toàn diện và quyết tâm duy trì hiệu quả bền vững.
Theo đó, 2 huyện là Đan Phượng và Thanh Trì đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đó còn chưa kể, các huyện, thị xã còn lại của thành phố đều đã có các xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và trong thời gian này, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đang tích cực làm việc tại các địa phương để đánh giá, đề nghị công nhận các xã tiếp theo theo quy định.
Chưa dừng ở đó, từ chỗ xây dựng nông thôn mới, đến nông thôn mới nâng cao, rồi nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều địa phương ở Hà Nội đang tiến lên xây dựng nông thôn thông minh. Dù chưa có tiêu chí cụ thể, nhưng việc xây dựng nông thôn thông minh được hiểu nôm na là người dân và chính quyền địa phương ứng dụng các công nghệ hiện đại, thông minh, tự động vào sản xuất và đời sống hằng ngày.
Trong sản xuất, nhiều nơi người dân đã ứng dụng công nghệ tưới tiêu thông minh; ứng dụng công nghệ tự động hóa để phân tích, theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu… giúp giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh giao thương hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử… Trong đời sống hằng ngày, nhiều thôn, xóm đã lắp đặt hệ thống camera an ninh; ứng dụng mạng xã hội trong quản lý, điều hành...
Rõ ràng, mọi danh hiệu hay kết quả đạt được bằng con số đều không thể phản ánh hết những đổi thay thực chất từ trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn Thủ đô. Nói cách khác, các địa phương cần thấu suốt quan điểm sự hài lòng của người dân chính là thước đo cho những danh hiệu “nông thôn mới nâng cao”, “nông thôn mới kiểu mẫu”, “nông thôn mới thông minh”.
Trên bình diện rộng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân bằng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Khi được thụ hưởng những lợi ích chính đáng, thiết thực, người dân sẽ càng có động lực cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của mỗi miền quê.
“Quả ngọt” trong xây dựng nông thôn mới vẫn đang được người dân khu vực nông thôn gặt hái từng ngày. Đó là một quá trình phấn đấu hàng chục năm qua và tin tưởng trong những năm tới, những thành quả đáng tự hào đó sẽ tiếp tục song hành với người dân khu vực nông thôn Thủ đô.