Đảng bộ thành phố Hà Nội: Xứng danh anh hùng, vững vàng tiến bước
Đúng vào ngày này cách đây 94 năm (ngày 17-3-1930), tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, đánh dấu mốc lịch sử về sự ra đời của Đảng bộ đầu tiên trong cả nước.
94 năm qua, trên mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã lãnh đạo hệ thống chính trị cùng quân, dân Thủ đô vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, viết nên những trang sử vàng xứng danh là Thủ đô Anh hùng của đất nước Việt Nam Anh hùng.
1. Ngay trong những năm tháng đầu tiên sau khi thành lập, bị địch khủng bố gắt gao, lập rồi lại tan, nhưng cứ sau mỗi lần được lập lại, Đảng bộ thành phố Hà Nội càng thêm mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, được rèn luyện trong các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Thủ đô, góp phần làm nên kỳ tích Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2-9-1945).
Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời chưa lâu, Hà Nội cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Thủ đô đi đầu hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 12-1946) bằng cuộc chiến “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” - nơi quân, dân Hà Nội với ý chí quật cường đã biến phố phường thành chiến lũy giam chân địch 60 ngày đêm ở Thủ đô, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị mọi mặt bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau 9 năm bền gan, vững chí, Hà Nội đã cùng cả nước tiễn tên lính Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thành phố tiếp tục được thể hiện đậm nét trong giai đoạn 1954-1975, khi vừa thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Thủ đô, mà đỉnh cao là kỳ tích chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, vừa cùng cả nước làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam…
Non sông thu về một mối, Đảng bộ thành phố Hà Nội cùng nhân dân tiếp tục vượt qua những khó khăn về mọi mặt để rồi cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, làm nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
Trong suốt chặng dài lịch sử đó, Hà Nội luôn gương mẫu, đi đầu trên các trận tuyến, các lĩnh vực, thực sự là niềm tự hào của cả nước. Năm 2000, vào dịp kỷ niệm 55 năm Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đảng và Nhà nước đã quyết định trao tặng cho Hà Nội danh hiệu cao quý: “Thủ đô Anh hùng”. Đây là vinh dự lớn lao, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp, thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã đạt được trong quá trình cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, Hà Nội vẫn luôn xứng đáng là trái tim của cả nước trong những giai đoạn xây dựng và phát triển. Hơn 15 năm kể từ ngày điều chỉnh địa giới hành chính ngày 1-8-2008, Thủ đô ngày càng khẳng định được sức bền và năng lượng phát triển. Sau những danh hiệu cao quý như “Hà Nội ngàn năm văn hiến”, “Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình”, “Hà Nội - Thủ đô Anh hùng”, nay Hà Nội còn là “Thành phố sáng tạo”.
Đổi mới và sáng tạo cũng chính là nét đậm in dấu trong sự phát triển của Thủ đô từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đến nay. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang; truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Khi nhìn nhận ra vấn đề thì quyết tâm tổ chức thực hiện; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm theo đuổi công việc đến cùng, có sản phẩm đầu ra cụ thể, phải đi vào thực chất, hiệu quả, không hình thức...
Với tinh thần đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội không ngừng củng cố cả về lượng và chất. Tổ chức Đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn chủ động, sáng tạo, gương mẫu, đi đầu trong triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương. Thành ủy Hà Nội là đơn vị đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo về Phòng, chống tham nhũng; là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa; là nơi đầu tiên ban hành chỉ thị đồng thời “định lượng” được 25 biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức...
Phẩm chất anh hùng trong chiến đấu là dũng cảm đương đầu với hiểm nguy, dốc hết sức vì lý tưởng. Ngày nay, biểu hiện của phẩm chất anh hùng chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.
Thực tế những năm qua, Hà Nội thực sự xứng danh anh hùng khi luôn tích cực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tiêu biểu là thành công trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tỉnh táo đẩy lùi đại dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Hà Nội đã khẳng định được sức bền về kinh tế, khi đi qua khó khăn và duy trì mức tăng trưởng ngày càng cao. Thu ngân sách liên tục lập nên những cột mốc mới, từ vượt hơn 300.000 tỷ đồng năm 2022 đến vượt hơn 400.000 tỷ đồng năm 2023. Hiện nay, quy mô nền kinh tế Hà Nội (GRDP) đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 54,2 tỷ USD; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt hơn 151 triệu đồng/năm.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô còn thể hiện ở quyết tâm xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Hà Nội hiện đang tập trung hoàn thành Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt là phối hợp hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy sắp tới, qua đó tháo gỡ những “nút thắt” về thể chế để phát triển.
Năm 2024, Đảng bộ thành phố Hà Nội đang đứng trước nhiều nhiệm vụ quan trọng, vừa chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện ngay khi Luật Thủ đô (sửa đổi) và hai bản quy hoạch được thông qua, có hiệu lực; tiếp tục triển khai các công trình, dự án lớn, trọng tâm là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm tăng tốc; vừa chuẩn bị một bước quan trọng cho Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố. Đặc biệt, xác định con người có vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố xuống cơ sở coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên, là động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Trước những nhiệm vụ quan trọng đặt ra, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã quán triệt tinh thần, đó là phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của cấp ủy với HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục phải nhịp nhàng, “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” và đặc biệt phải có tình yêu, có trách nhiệm với công việc, với Thủ đô và nhất là khát vọng phát triển như tinh thần chỉ đạo mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu...
Nhiệm vụ đặt ra rất nhiều, lại có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài đòi hỏi các cấp, các ngành vào cuộc với ý chí quyết tâm cao. Trong bối cảnh đó, niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của Đảng bộ Thủ đô với bề dày thành tích cùng phẩm chất anh hùng sẽ là điểm tựa vững vàng để Hà Nội tiến bước, tiếp tục lập nên những thành tựu mới.
Từ lúc thành lập Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội cách đây 94 năm chỉ với 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ, Lều Thọ Nam; năm 1945 khi lãnh đạo tổng khởi nghĩa, toàn Đảng bộ mới có khoảng 50 đảng viên; đến nay, Đảng bộ thành phố Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, 3.172 tổ chức cơ sở Đảng và 481.406 đảng viên (chiếm hơn 9% tổng số đảng viên của cả nước).