Nan giải tình trạng xe chở hàng cồng kềnh, quá khổ
Tình trạng xe chở hàng cồng kềnh, quá khổ che khuất tầm nhìn, mất an toàn giao thông vẫn diễn ra trên nhiều tuyến đường, phố của Thủ đô, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Liên tục ra quân xử lý
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội liên tục ra quân xử lý xe ba bánh tự chế, xe mô tô, xe mô tô kéo xe khác, vật khác… chở hàng cồng kềnh, quá khổ trên tất cả các tuyến đường, phố.
Khoảng 11h ngày 15-3, tại ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông), Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đã xử lý một trường hợp lái xe ba bánh tự lắp ráp trái phép chở hàng. Đáng nói, xe không có biển kiểm soát, người vi phạm không có giấy phép lái xe, nhưng vẫn… ngang nhiên tham gia giao thông.
Trước đó, Đội Cảnh sát giao thông số 7 cũng liên tiếp xử lý nhiều lái xe ba bánh, xe mô tô, xe mô tô kéo xe khác, vật khác… chở hàng quá khổ, cồng kềnh dọc các tuyến đường: Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Tố Hữu, Phùng Hưng… thuộc địa phận quận Hà Đông và Thanh Xuân.
Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, thời gian qua, đội đã tăng cường lực lượng ra quân, tập trung xử lý xe ba bánh tự chế, xe mô tô, xe mô tô kéo vật khác, xe khác… chở hàng cồng kềnh, quá khổ gây khuất tầm nhìn, nguy hiểm cho các phương tiện khi tham gia giao thông.
"Kết quả, từ ngày 6-3 đến 15-3, đội đã xử lý 39 trường hợp xe ba bánh, xe mô tô kéo xe khác, vật khác, xử phạt khoảng 25 triệu đồng, trong đó, tạm giữ 4 xe và 31 giấy tờ xe. Ngoài ra, từ ngày 15-2 đến 15-3, đội cũng xử lý 153 trường hợp xe mô tô, xe mô tô kéo xe khác, vật khác chở hàng cồng kềnh, quá khổ, xử phạt 76,5 triệu đồng", Trung tá Nguyễn Đức Thắng nói.
Tương tự, tại các tuyến đường do Đội Cảnh sát giao thông số 14 phụ trách, thời gian qua, các lực lượng cũng thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý xe ba bánh tự chế, xe mô tô, xe mô tô kéo xe khác, vật khác vi phạm các quy định về an toàn giao thông lưu thông trên đường.
Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 14 cho biết, từ đầu năm đến nay, đội đã kiểm tra, xử lý gần 100 trường hợp. Song, để xử lý nghiêm, chỉ huy đội chỉ đạo các tổ công tác liên tục tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với tất cả các trường hợp vi phạm.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), từ 14-12-2023 đến nay, toàn thành phố đã xử lý và thu giữ 117 xe ba gác tự chế, không do đối tượng chính sách là thương binh điều khiển. Ngoài ra, xử lý hàng nghìn trường hợp xe mô tô, xe mô tô kéo xe khác, vật khác chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
Là địa bàn xử lý nhiều xe ba bánh tự chế do trên địa bàn tập trung nhiều chợ lớn, tiểu thương kinh doanh đông (chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân…), Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 thông tin, từ ngày 15-12-2023 đến nay, đội đã xử lý 16 trường hợp xe ba bánh tự chế lưu thông trên đường, tạm giữ 16 xe ba bánh, xử phạt 97 triệu đồng. Liên tục ra quân, xử lý nghiêm vi phạm, đến nay tình trạng xe ba bánh tự chế, cũng như người dân sử dụng xe mô tô, xe mô tô kéo xe khác, vật khác để chở hàng đã giảm ở tất cả các tuyến đường, phố.
Đẩy mạnh tuyên truyền đi kèm xử phạt
Chứng kiến Đội Cảnh sát giao thông số 7 xử phạt các trường hợp sử dụng xe ba bánh tự chế, xe mô tô… chở hàng cồng kềnh, phóng viên nhận thấy, các phương tiện chủ yếu đã cũ, nhiều phương tiện không có biển kiểm soát.
Khi được hỏi, hầu hết người vi phạm đều nói, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, để mưu sinh nên đã sử dụng phương tiện cũ, hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để vận chuyển hàng hóa. Vì để có ngày công cao, không phải đi lại nhiều lần, thay vì chở nhiều chuyến hàng, một số tài xế cố tình chất hàng cao để chở. Đây cũng là nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua.
Trực tiếp chỉ đạo xử lý nhiều trường hợp vi phạm, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 14 cho biết, bên cạnh việc thiết lập hồ sơ, xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định, cán bộ, chiến sĩ thuộc đội đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người vi phạm nói riêng và người tham gia giao thông nói chung hiểu rõ hành vi chở hàng cồng kềnh, sử dụng xe mô tô kéo xe khác, vật khác, xe ba bánh tự chế… lưu thông không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Song, theo Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, khó nhất hiện nay là người vi phạm chủ yếu sử dụng xe mô tô cũ, hết niên hạn sử dụng để chở hàng cồng kềnh. Do đó, các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, đưa ra khung tiêu chuẩn về an toàn phương tiện, về tiêu chí môi trường… để các lực lượng làm nhiệm vụ có căn cứ tịch thu, tiêu hủy phương tiện nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn.
“Về lâu dài, cần nghiên cứu, sản xuất các phương tiện vận tải cỡ nhỏ dùng để chở hàng hóa, vật liệu… có thể đi được vào các tuyến ngõ, phố Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nhân dân, từ đó sẽ hạn chế được việc sử dụng xe ba bánh tự chế, xe mô tô chở hàng cồng kềnh, quá khổ như hiện nay”, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng đưa ra kiến nghị.
Nói thêm giải pháp, Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho hay, để chấm dứt tình trạng người dân sử dụng xe ba bánh tự chế, xe mô tô, xe mô tô kéo xe khác, vật khác… chở hàng cồng kềnh, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, cùng với việc chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không có ngoại lệ, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm kể trên, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra, xử lý phương tiện không đủ điều kiện lưu thông theo quy định của pháp luật ngay tại cơ sở.