Làm thế nào để sử dụng AI có trách nhiệm, có đạo đức?
Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và rất hữu ích nhưng cũng có những mặt trái.
Sáng 16-3, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024, tọa đàm với chủ đề: “Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI” do Đài truyền hình Việt Nam chủ trì đã nhận được nhiều ý kiến về giải pháp công nghệ này.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của AI, Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và Phát triển nội dung số (Đài truyền hình Việt Nam) cho biết, tivi ngày nay đã không còn là công cụ giải trí độc quyền như nhiều năm trước mà hiện chính là thời của các thiết bị di động.
Điều này cho thấy, nhu cầu thông tin của mỗi người đã có những thay đổi lớn với các nội dung cốt lõi, gồm: Màn hình thay đổi, công chúng thay đổi và xã hội đã có vô số người sáng tạo nội dung. Điều đó đồng nghĩa với việc ranh giới giữa các loại hình báo chí ngày càng xóa nhòa đi.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà, người làm báo hiện nay cần một bộ kỹ năng để không lạc hậu và lỗi nhịp với cách làm báo hiện đại. Cụ thể, người làm báo cần thành thạo công nghệ; biết làm báo đa phương tiện; sử dụng tốt thiết bị di động; sử dụng mạng xã hội...
Song song đó, người làm báo cũng cần tiếp tục trau dồi các kỹ năng đang có như giá trị đạo đức nghề nghiệp; báo chí công; củng cố thương hiệu; báo chí thông thái (báo chí chính luận, báo chí điều tra, báo chí giải pháp) để cạnh tranh với các công nghệ hiện đại ngày nay.
Trong phiên thảo luận về những tác động của AI đối với hoạt động sáng tạo nội dung cũng như vấn đề bản quyền, nhiều ý kiến quan điểm đã được nêu ra tại buổi tọa đàm.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Nhà phát triển và sử dụng AI tạo sinh trong lĩnh vực Multimedia nhận định, AI đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống. Việc sử dụng công cụ này đã hỗ trợ cho cuộc sống, truyền hình rất nhiều. Đơn cử, việc phục dựng bối cảnh lịch sử, văn hóa của cha ông ngày xưa rất tốn kém và mất thời gian nhưng với AI đã trở nên rất đơn giản.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam), đài kết hợp giữa phần cứng và công nghệ để sản xuất các sản phẩm truyền hình. Điều này được thực hiện qua nhiều ứng dụng như ứng dụng bóc băng tự động; tạo metadata tự động và hỗ trợ tìm kiếm dữ liệu; phân tích dữ liệu lớn.
Nhà báo Tạ Bích Loan (Đài truyền hình Việt Nam) đặt vấn đề, khi AI tạo ra những sản phẩm ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì liệu có phải là ăn cắp bản quyền không và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này?
Nhiều ý kiến của các diễn giả cho rằng, cuộc chiến tin giả được thực hiện qua các ứng dụng công nghệ, trong đó có AI đang là chủ đề nóng hổi. Hiện nay, việc tranh cãi về bản quyền, sở hữu trí tuệ giữa các sản phẩm do con người tạo ra và do AI tạo ra vẫn đang có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khi đó, các sản phẩm từ cơ quan báo chí truyền thống sẽ có cơ hội để nâng cao thương hiệu của mình bởi “độ trung thực” của sản phẩm là điều độc giả rất chờ đợi trong nhu cầu thông tin của mình.
Các diễn giả cũng cho rằng, việc ứng dụng AI trong sản xuất các sản phẩm báo chí là rất hiệu quả, vì nó tạo ra sự giảm sức lao động cho con người. Việc sử dụng các công cụ này có thể sử dụng ở dạng miễn phí hoặc bản cao hơn có trả phí. Các cơ quan báo chí có thể linh hoạt ứng dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm truyền hình.
Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ được bản quyền thì các tài liệu, tư liệu cần được “đánh mã” để các công cụ kiểm soát công nghệ về bản quyền “nhận dạng” và thông báo cho chủ sở hữu.
Chốt lại phiên tọa đàm này, nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng, công cụ AI là rất hữu ích nhưng cũng có những mặt trái nên việc sử dụng cần có trách nhiệm và đạo đức, nhân văn để nó luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực, giải phóng sức lao động cho con người.