Du lịch

Sau 2 năm mở cửa trở lại, thị trường du khách quốc tế đã thay đổi

Hoàng Lân 15/03/2024 - 16:05

Hôm nay 15-3, tròn 2 năm du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn trở lại đón khách quốc tế. Thị trường du khách quốc tế đã phục hồi nhanh chóng, hướng đến phục hồi hoàn toàn trong năm nay.

Du khách quốc tế tăng 68,7% so với cùng kỳ

15.3.bd2.jpg
10 thị trường gửi khách hàng đầu năm 2023 (đơn vị: nghìn lượt).

Trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 22,8% trong giai đoạn 2015-2019. Lượng khách quốc tế tăng từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019. Năm 2019 cũng được xem là “thời điểm vàng” của du lịch Việt Nam.

Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, lượng khách du lịch sụt giảm do thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch. Ngay khi dịch được kiểm soát, Chính phủ quyết định mở cửa trở lại từ ngày 15-3-2022 để phục hồi thị trường du khách quốc tế.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2022, Việt Nam đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, tương đương 20% năm 2019. Sự phục hồi thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam diễn ra chậm, cần có những hành động quyết liệt hơn để kích cầu.

Trước yêu cầu cấp thiết này, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì 2 cuộc họp trực tuyến với toàn ngành Du lịch, chỉ đạo sát các phương án để thúc đẩy phát triển ngành Du lịch. Một trong những giải pháp thiết thực là thực hiện chính sách visa thông thoáng. Từ ngày 15-8-2023, chính sách thị thực (visa) mới cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá, đây là quyết sách kịp thời, góp phần thúc đẩy thị trường du khách quốc tế có sự bứt phá mạnh mẽ. Năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019.

Tiếp đà tăng trưởng, 2 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023, đã bằng với mức năm 2019 - thời điểm trước dịch.

Thay đổi cơ cấu du lịch

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến du lịch toàn cầu thay đổi cả về cơ cấu, hình thái, xu hướng. Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thị trường Đông Bắc Á giảm còn 54%; Đông Nam Á chiếm 16%; châu Âu chiếm 11,6%; châu Mỹ là 7,2%; châu Úc còn 3,4%.

tau-bien-12124.jpg
Du lịch tàu biển sôi động trong năm 2023.

Các thị trường truyền thống của Việt Nam cũng thay đổi. Trước dịch, Trung Quốc luôn là thị trường số 1 của Việt Nam thì nay Hàn Quốc trở thành thị trưởng gửi khách lớn nhất, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2. Năm 2023, thị trường Trung Quốc mới phục hồi 30% so với năm 2019.

Điểm sáng trong bức tranh du lịch quốc tế sau 2 năm mở cửa, đó là sự phát triển của những thị trường mới. Đáng chú ý , thị trường Ấn Độ có sự bứt phá đáng kể, đạt 392 nghìn lượt khách năm 2023, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2019. Cùng với Ấn Độ, một số thị trường có sức tăng trưởng khá, đó là Australia, Campuchia. Nhờ chính sách thị thực mới, các thị trường châu Âu có sự phục hồi khả quan, trong đó có các thị trường chính như: Tây Ban Nha phục hồi 91%; Đức đạt 88%; Anh đạt 80%; Pháp đạt 75%...

img_8930.jpeg
Sản phẩm du lịch đêm tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội mới triển khai.

Cơ cấu của thị trường du lịch quốc tế có sự thay đổi khiến cho ngành Du lịch Việt Nam phải có các chiến lược mới để thu hút du khách. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch tại nhiều thị trường tiềm năng. Nhiều địa phương đã xây dựng và ra mắt sản phẩm mới đáp ứng khách quốc tế.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Hà Nội ra mắt gần 20 sản phẩm du lịch đêm; tổ chức kết nối các tuyến du lịch từ trung tâm Hà Nội ra Ứng Hòa, Thạch Thất; hướng tới phát triển du lịch đường thủy…

Trong khi đó, Phú Quốc (Kiên Giang) liên tiếp ra mắt các sản phẩm du lịch mới như các show diễn thực cảnh, festival du lịch, văn hóa. Thành phố Hồ Chí Minh cũng ra mắt các sản phẩm đêm, du lịch đường thủy… Các địa phương khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh đẩy mạnh du lịch tàu biển.

images3013960_tay_bac9_1616430912698986621620.jpg
Tour du lịch caravan bắt đầu được tổ chức nhiều kể từ sau dịch Covid-19.

Có thể thấy, trong vòng 2 năm kể từ khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn trở lại hoạt động du lịch, du lịch Việt Nam đã có sự bứt phá, khởi sắc. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, bằng năm 2019. Dù đang có đà phát triển tốt, nhưng ngành Du lịch vẫn xác định còn nhiều thách thức, nhất là khi nhiều nước trong khu vực như Thái Lan đang có đà phát triển thần tốc.

Ngày 23-2-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về “Phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới”, nêu rõ phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Để làm được điều đó, ngành Du lịch cần tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong hợp tác công - tư; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào, hình thành chuỗi giá trị du lịch; liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu…