Xây dựng Thanh Oai trở thành quận sinh thái vào năm 2028
Với mục tiêu xây dựng đô thị xanh, sinh thái, là hành lang xanh của Thủ đô, các phân khu quy hoạch của Thanh Oai cần tính đến liên kết, kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển.
Ngày 15-3, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn làm việc với huyện Thanh Oai về thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023; phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình, năm 2023 kinh tế - xã hội huyện đạt kết quả tích cực. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 28.507 tỷ đồng (103,2% kế hoạch đề ra); thu nhập bình quân 72,155 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 1.722 tỷ đồng (bằng 105% dự toán thành phố giao). Thu ngân sách địa phương đạt 2.692,8 tỷ đồng (bằng 102,9% dự toán thành phố giao).
Thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua huyện, đến nay Thanh Oai đã thẩm tra/thẩm định/phê duyệt phương án được 86,9ha (đạt 99,33%). Diện tích đã bàn giao mặt bằng được 83,25ha (đạt 95,75%).
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", đến nay, huyện có 12/20 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn Kim Bài đạt chuẩn văn minh đô thị. Thanh Oai đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra).
Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng, triển khai nghiêm túc. Huyện quyết liệt thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá, 8 chương trình công tác lớn và 6 nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy khóa XXIII gắn với thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Tại buổi làm việc, huyện Thanh Oai kiến nghị một số vấn đề về kinh tế, văn hóa, trọng tâm là đề xuất điều chỉnh quy hoạch phù hợp sự phát triển của huyện.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Khánh Bình cho biết, trên cơ sở định hướng của Thành ủy tại Chương trình số 04-CTr/TU, Thanh Oai phấn đấu trở thành quận trong giai đoạn 2026-2030. Đây cũng là nhiệm vụ Thành ủy giao cho huyện và là một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ huyện đã đề ra.
Để thực hiện tốt công tác định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện, Thanh Oai đề xuất cập nhật, đưa vào đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 một số nội dung.
Cụ thể, đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung, tính chất và chức năng của Thanh Oai vào điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065: Là vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại cho khu vực trung tâm thành phố, đang có xu hướng phát triển lên quận giai đoạn 2028-2030; vùng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề; phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistic quan trọng phía Nam Thủ đô; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quan trọng của Thủ đô (đến năm 2030).
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng… cho rằng, điều chỉnh quy hoạch huyện Thanh Oai cần theo quy hoạch chung Thủ đô; đồng thời phải có tính kết nối với các quận, huyện lân cận nhằm thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, phát triển công nghiệp cần có định hướng cụ thể, bảo đảm cho tiêu chí quận đô thị xanh, sinh thái…
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, điều chỉnh quy hoạch chung của huyện đều căn cứ theo quy hoạch chung Thủ đô, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Các quy hoạch về công nghiệp, đô thị sinh thái có kết nối với các quận, huyện. Đặc biệt, ông Bùi Văn Sáng kỳ vọng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua huyện khi đi vào hoạt động sẽ tạo "đòn bẩy" về giao thương giữa huyện với các địa phương.
“Huyện phân thành 4 vùng quy hoạch cụ thể. Vùng 1 là trung tâm (đô thị, hành chính, dịch vụ): Thị trấn Kim Bài và một phần các xã Thanh Mai, Bình Minh, Tam Hưng, Thanh Văn… với khoảng 2.100ha. Vùng 2 phía Bắc đô thị nén gắn với Vành đai 4; Vùng 3 phía Tây là đô thị sinh thái, du lịch; Vùng 4 là công nghiệp, nông nghiệp. Các quy hoạch đều phù hợp điều kiện sử dụng đất, thổ nhưỡng, thế mạnh của các địa phương”, Chủ tịch UBND Bùi Văn Sáng nêu.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết, Thanh Oai xác định quy hoạch là “cơ hội vàng” để bứt phá trong thời gian tới. Các quy hoạch sẽ gắn với quy hoạch chung và quy hoạch về sử dụng đất đã được phê duyệt. Thời gian tới, huyện tích cực phối hợp các sở, ngành để tháo gỡ bất cập trong quy hoạch, các vi phạm về đất đai, tồn tại về vấn đề nước sạch… nhằm xây dựng, hướng tới trở thành quận vào năm 2028.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây Nam Hà Nội. Những năm qua, Thanh Oai phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực. Đối với các mục tiêu năm 2024 về kinh tế - xã hội, huyện cần bám sát để thực hiện, đặc biệt là tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn đầu tư.
Ngoài ra, Thanh Oai cần tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch cho phù hợp điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô trên cơ sở phát huy nguồn lực về địa lý, thổ nhưỡng. Với mục tiêu xây dựng đô thị xanh, sinh thái, là hành lang xanh của Thủ đô, các phân khu quy hoạch cần tính đến liên kết, kết nối về hạ tầng giao thông, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển. Đồng thời, huyện cần đẩy mạnh tiến độ giao đất tái định cư Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; giải quyết tồn đọng trong vi phạm đất đai...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng đề nghị các sở, ngành đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị… cho địa phương.